NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Tiếp tục khai thác tiềm năng đưa Lai Châu phát triển

Cập nhật: 04/01/2021
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức, năm thế giới nhiều bất ổn cùng với dịch bệnh, thiên tai đã tác động không nhỏ đến nước ta cũng như tỉnh nhà. Nhìn lại 1 năm nhiều gian khó, thách thức, chính quyền và đồng bào Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu có quyền tự hào với những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tiềm lực kinh tế của tỉnh tiếp tục được khẳng định. Nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Đời sống người dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển. Bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Hình ảnh, vị thế, uy tín của tỉnh nhà ngày càng được nâng cao. Khắp nơi trên quê hương Lai Châu đang náo nức đón mừng xuân mới với khí thế mới, động lực mới.

Người dân xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên thu hái chè.

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Với lợi thế là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, có khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, cùng với địa hình có độ cao trên 200m đến các dãy núi trùng điệp từ 1.000 đến trên 3.000m tập trung nhiều diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm… là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc sản, đặc biệt là các loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Phát huy lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, tỉnh Lai Châu đã ban hành các đề án, nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp với các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, giá trị tổng sản phẩm toàn ngành tăng bình quân 5,59%/năm; cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều mô hình sản xuất đang được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; nhiều sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; đến nay, đã có 47 sản phẩm OCOP được công nhận... hàng nông sản, đặc sản của Lai Châu được người tiêu dùng ưa chuộng đang từng bước khẳng định và tạo niềm tin với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả tích cực, chất lượng được nâng lên. Một sức sống mạnh mẽ đang bừng lên làm đổi thay cả miền quê. Về các xã nông thôn mới hôm nay, những tuyến giao thông nông thôn được trải nhựa, bê tông hóa, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên đã nói lên sự đổi thay nhanh chóng. Cộng đồng thôn bản, nông dân phát huy vai trò là chủ thể, tích cực thực hiện chương trình, ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường khu dân cư, góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp được đầu tư, cơ bản thuận lợi cho phát triển sản xuất và đời sống. Đến nay, huyện Tân Uyên đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị huyện đạt chuẩn và 38 xã (trên 40%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Là tỉnh có vị trí quan trọng vùng thượng nguồn Sông Đà, điều tiết nước cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và hạ lưu, tỉnh Lai Châu tập trung khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh như phát triển công nghiệp thủy điện. Đây là một trong những thế mạnh của tỉnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Ngành công nghiệp thủy điện đóng góp phần lớn (trên 50%) vào thu ngân sách trên địa bàn tỉnh và nâng cao thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng cho nông dân. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành đầu tư hạ tầng năng lượng, hệ thống chuyển tải giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện, khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện; tích cực đầu tư đưa điện về nông thôn, đến nay 100% xã, phường, thị trấn và 95,1% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Với lợi thế là tỉnh có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, tỉnh đã và đang đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối Lai Châu với các địa phương trong khu vực; triển khai đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhân dân hai nước (Việt Nam – Trung Quốc) tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và giao lưu văn hóa qua biên giới... nhằm phát triển kinh tế biên mậu, tăng ngân sách, cải thiện đời sống người dân.

Xây dựng kết cấu hạ tầng được tỉnh Lai Châu xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, thuỷ lợi, các công trình văn hoá - xã hội, hạ tầng thiết yếu nông thôn, đô thị, dịch vụ, thương mại và du lịch có bước phát triển, tập trung ở các trung tâm xã, thị trấn, dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện nhằm tạo sự chuyển biến quan trọng về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống Nhân dân. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93,7% thôn, bản có đường ô tô hoặc xe máy đi lại thuận lợi; 85,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 96,6; 93,52% trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ đô thị hóa đạt 17,24%,…

Bên cạnh phát triển kinh tế, Lai Châu cũng rất quan tâm gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp. Là nơi cư tụ của 20 dân tộc với bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng trong phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, trang phục… Lai Châu còn có những hang động tuyệt đẹp, những ngọn đèo hiểm trở, những thác nước ẩn mình trong rừng và những điệu xoè Phong Thổ...; vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của những đỉnh mây ngàn, thác nước đẹp mê hồn như: Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quý Hồ) cao 2.073m là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, được mệnh danh là cung đèo dài nhất Việt Nam quanh năm mây phủ trắng, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.045m), đỉnh Pu Ta Leng (cao 3.049m), Hang động Pu Sam Cap lớn nhất Tây Bắc; thác nước Tác Tình, Cao nguyên Sìn Hồ, Dào San, có các mỏ nước khoáng nóng phục vụ du khách nghỉ dưỡng chữa bệnh như: Vàng Pó (huyện Phong Thổ); Nà Ban, Phiêng Phát (huyện Tân Uyên) và các khu, điểm du lịch sinh thái, cộng đồng... Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh thúc đẩy phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói, trong đó chú trọng đẩy mạnh khai thác hiệu quả tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc; hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà; thu hút được các đơn vị lữ hành đưa du khách đến với Lai Châu.

Bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”.

Đặc biệt, năm 2020, Bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Phong trào phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, có sức lan tỏa. Đến nay toàn tỉnh có 16 điểm du lịch được công nhận. Tổng lượt khách, tổng doanh thu tăng khá, giai đoạn 2016 - 2020 thu hút trên 1,4 triệu lượt người, tăng bình quân 10%/năm, tổng doanh thu ước đạt 1.933 tỷ đồng, bình quân tăng 13,4%/năm.

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, du lịch, giao thông và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chú trọng các công trình giao thông huyết mạch kết nối trong tỉnh và các tỉnh khu vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút doanh nghiệp, chú trọng phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã tại địa phương; tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản trị và sản xuất. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế. Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung tạo sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản có giá trị, hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đoàn kết các dân tộc, xóa đói giảm nghèo, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, tạo đà cho Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.

Một mùa xuân mới lại về, các cấp chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng đồng lòng, chung sức, nỗ lực thi đua, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2030 Lai Châu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

Hà Trọng Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu

Nguồn: http://laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/tiep-tuc-khai-thac-tiem-nang-dua-lai-chau-phat-trien.html
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm