NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Du lịch giữa mùa dịch: Sắc màu Dào San, Tây Bắc

Cập nhật: 27/08/2021

Nằm gối đầu trên những dãy núi quanh năm lộng gió, tít tắp trên độ cao 1.900m của đỉnh Chùng Sủa Dằng, Dào San như một bức tranh khổng lồ nhưng tinh tế đến từng chi tiết bởi cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa vùng cao.
Từ thành phố Lai Châu, chừng 60km về phía Bắc, Dào San là trung tâm của tám xã vùng biên huyện Phong Thổ. Vẻ đẹp của nơi đây chính là sự nguyên sơ, giản dị. Từng ruộng lúa, từng nếp nhà, mỗi ánh mắt, nụ cười tuy mộc mạc nhưng đều trở thành một màu sắc tô điểm cho bức tranh Tây Bắc đầy mê hoặc.
 
Một góc trời Dào San, Lai Châu.

Đến Dào San vào mùa Xuân, lúc cỏ cây hoa lá căng tràn nhựa sống, Dào San được bao trùm một màu xanh non tơ, mơn mởn, trong sáng. Lại được điểm trang bởi sắc hồng phấn hay đo đỏ của những cánh đào, cánh ban đang cố khoe mình.
Người người gặp nhau như vui hơn, thân thiết hơn. Người Dao, người Mông, người Hà Nhì… không hẹn mà gặp nhau nơi phiên chợ đầu năm, khi hội Gầu Tào đang tưng bừng, nhộn nhịp. Họ mang trên mình nhưng bộ cánh đẹp nhất, mới nhất chỉ để đi chợ và đi chơi. Hỏi han, chúc tụng, những lời lẽ tốt đẹp nhất dành cho nhau cứ lan tỏa mãi, râm ran cả núi rừng khiến cho Dào San trở lên một vườn hoa sặc sỡ sắc màu, vạn vật được ban phát một sức sống mới.
Khi những cơn mưa đầu Hạ bắt đầu rơi xuống là thời điểm bắt tay cho công việc nương rẫy của một năm. Những ruộng lúa, những đám nương bên bờ suối, tít trên cao đang nhanh chóng được làm cỏ, cày xới. Nước về ruộng, khắp Dào San như một tấm gương khổng lồ, loang loáng, lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời.
Đâu đó, khói bếp nổi lên trăng trắng, ngà ngà để chuẩn bị cho bữa cơm trưa vội vã, để đám mạ non lên nhanh hơn, để đồng ruộng lại rộn ràng tiếng cười nói đón chào mùa thóc mới. Chả mấy chốc, lúa vào thì con gái, những đám ruộng bậc thang vô tận, xanh rì như dải lụa lên đến tận trời, lại được quấn quanh bởi dòng suối hiền hòa, trong vắt.
 
Cảnh mua bán ở chợ phiên.

Đến chợ Dào San khi ấy, đâu đâu cũng thấy, nào đào, nào mận, quả Sơn tra nhưng nhiều nhất là măng rừng. Ai xuống chợ cũng mang theo món gì đó và mua về chút gì của mẹ rừng Tây Bắc.
Mùa Thu – mùa vàng, một màu vàng mang đến niềm vui và hy vọng. Đám trẻ con sắp đến trường cho một năm học mới, dường như chúng tranh thủ để vui chơi cho thỏa thích. Dòng suối gần nhà lúc này vẫn trong vắt, đã ít nước hơn để lộ những viên sỏi cuội vàng đục đôi khi lẫn với đứa trẻ trần truồng bơi lội ngay bên cạnh.
Lúa đã ngả vàng, bóng người thăm ruộng đã nhiều hơn để đợi ngày thu hoạch. Lúa chín, một màu vàng óng ả, đẹp lạ kỳ. Từng bông lúa nặng trĩu khiến nụ cười thêm rạng rỡ. Dào San vào vụ gặt, lại cười nói, lại nhộn nhịp. Lũ ngựa bận bịu hơn, con đường tấp nập hơn.
Hẳn ai đã một lần đến sẽ không thể quên được cái lạnh của mùa Đông nơi đây. Sương giăng khắp chốn, càng lên cao càng lạnh. Đôi khi bắt gặp vũng nước nhỏ bên đường bị đóng băng, trong suốt.
 
Một gian hàng bày bán nông sản ở chợ phiên.

Trên đỉnh núi, lất phất vài bông tuyết trắng. Cây cối bị phủ một màu trắng của sương và tuyết lẫn với màu xanh đã nhạt, màu vàng đã ố của thời gian. Dào San vẫn đẹp, cái đẹp có phần lạ lẫm, cái đẹp khiến ai đó ngỡ mình đang đứng ở trời Tây. Lũ trẻ không còn ra ngoài chạy nhảy nhiều nữa, chúng ngồi co ro, lẩn quẩn bên bếp lửa đỏ, le lói khiến cho trời mùa đông như ấm áp hơn.
Dào San vẫn thế, dù thời gian có qua, dù cuộc sống có thay đổi. Dào San vẫn nguyên sơ và giản dị như con người Dào San hồn nhiên, chất phác luôn được che chở bởi bàn tay của mẹ tự nhiên.
Nguồn trang: Sài Gòn tiếp thị;  Tác giả; Trang Hậu;  Ảnh 1: Xuân Lộc

Ảnh 2: Ruộng Bậc thang

Ảnh 2, 3: Minh Lê (Sưu tầm)

Nguồn: Sài Gòn tiếp thị
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm