NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Du lịch Lai Châu qua các lễ hội mùa xuân

Cập nhật: 26/02/2016
Lai Châu, vùng đất biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là nơi bảo tồn được nhiều lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của người dân địa phương cho đến ngày nay, là tỉnh miền núi nơi có đến 20 dân tộc cùng sinh sống, Lai Châu đang phát huy thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc qua việc tổ chức các lễ hội dân gian tiêu biểu:

 
Lễ hội Gàu Tào 
Lễ hội Gàu Tào là một trong những lễ hội truyền thống của đồng bào người Mông, được tổ chức thường niên tại Dào San, Phong Thổ từ ngày 4-6 tết, tại xã Nậm Loỏng – Tp Lai Châu trong 2 ngày 14 và 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đặc điểm chung của lễ hội Gàu Tào là dịp để nhân dân trong vùng dâng lên các thần linh với mong muốn một năm mới bình yên, no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Bên cạnh đó là dịp để bà con các thôn bản tụ họp, vui chơi, giải trí trước khi bước vào vụ mùa mới. Trong lễ hội diễn ra nhiều các hoạt động như thi dã bánh giày, văn nghệ, múa khèn… của các chàng trai, cô gái…cùng các trò chơi dân gian độc đáo như: hái hoa dân chủ, tù lu, nhảy bao bố và đặc biệt là phần thi chọi trâu…thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
 
Hội Đền Lê Lợi
Được tổ chức vào ngày 12/1 (âm lịch) hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn Vua Lê Lợi, người đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững miền biên ải, khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước ta; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, thống nhất đất nước.
Lễ hội được tổ chức với nhiều nội dung: Lễ dâng hương; Chương trình văn nghệ của các xã, phường trên địa bàn thành phố; cùng các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, kéo co, ném pao, tó má lẹ, đánh én … thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ. Lễ hội đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần đẩy mạnh xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở.
 
Lễ hội văn hóa Động Tiên Sơn 
Lễ hội văn hóa Động Tiên Sơn được tổ chức trong 2 ngày từ 14-15 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa và các sản phẩm truyền thống của địa phương các dân tộc trên địa bàn xã Bình Lư, huyện Tam Đường nói riêng và Lai Châu nói chung.
Lễ hội diễn ra tại danh lam thắng cảnh Động Tiên Sơn nằm bên quốc lộ 4D, đã được công nhận là điểm du lịch địa phương, nơi đây không chỉ  là điểm  thăm quan du lịch ngắm cảnh, mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của đồng bào các dân tộc trong huyện. Trong các ngày diễn ra lễ hội bà con nhân dân các dân tộc trong vùng và du khách đã được tham gia, giao lưu và cổ vũ rất nhiều các tiết mục văn háo văn nghệ đặc sắc và các trò chơi dân gian hấp dẫn như Đẩy gậy, Tung Còn, bắn nỏ, bịt mắt bắt dê, giao lưu chọi gà…
 
Lễ hội Nàng Han
Lễ hội Nàng Han tôn vinh nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào Thái trắng, được tổ chức để tri ân Nàng Han và cầu mong sự no ấm, tốt lành, sức khỏe, mùa màng tươi tốt cho khắp các bản làng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, tại bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ. Vào ngày này, bà con dân tộc người Thái, người Mường quanh vùng dâng hương, hoa, nông sản, thực phẩm do chính bản làng làm ra lên Miếu Nàng Han. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hoạt động văn nghệ đặc sắc, ẩm thực truyền thống hay những trò chơi dân gian độc đáo của đồng bào người Thái nơi đây.
 
Lễ hội Then Kin Pang
 
Lễ hội Then Kin Pang diễn ra vào ngày 10/3 (âm lịch) hàng năm, là một trong những lễ hội đặc trưng của người Thái trắng ở khu vực Mường So, Phong Thổ. Lễ hội được tổ chức như một sự tạ ơn của con người với sự che chở của Then (theo tiếng Thái nghĩa là trời) và cầu xin tiếp tục nhận hưởng sự ưu đãi về một vụ mùa ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thôn bản yên vui, người người khỏe mạnh…lễ hội gồm hai phần lễ gồm các hoạt động dâng hương, lễ vật mời Then xuống trần gian hưởng thụ và chung vui với mọi người trong ngày hội, để cầu mong những điều may mắn đến với mình bà con thường tổ chức té nước trong lễ hội. Phần hội tưng bừng với các môn thi: tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy, ném còn bịt mắt đuổi vịt…Lễ hội là sự kết hợp hài hoà giữa khát vọng tâm linh và hiện thực, mang lại niềm tin, niềm vui cho mỗi người.
 
Còn rất nhiều các lễ hội khác được diễn ra vào dịp đầu xuân tại Lai Châu, du khách hãy đến để không những được đắm mình trong phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc hay thưởng thức ẩm thực dân tộc độc đáo mà còn được hòa mình trong không khí nô nức của các lễ hội nơi đây./.   
                                                                                                                             Tranh Lê
 
 
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm