Đặc sản gỏi cá dân tộc Thái Lai Châu

Cập nhật: 12/03/2021
Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo để thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu “Xép pa cin pa cỏi”, nghĩa là “Thèm cá thì ăn cá gỏi”.

Gỏi cá Hồi.

Gỏi cá dân tộc Thái được chế biến từ nhiều loại cá khác nhau như: cá hồi, cá trích, cá nhệch, cá chép, cá mè,…mỗi loại cá sẽ có hương vị riêng khi chế biến thành gỏi, nhưng nhìn chung chúng đều mang cho người ăn một cảm nhận tươi ngon và mát lành, nhất là vào thời tiết mùa hè. Một phần quan trọng quyết định món gỏi cá có ngon hay không đó chính là gia vị, gỏi cá có nhiều cách chế biến, nhưng gỏi cá dân tộc Thái thường được chế biến thành Gỏi cá trộn.

Gỏi cá trộn thường được chọn cá tươi ở nguồn nước sạch từ 2kg trở lên, sau đó tước da, lọc kỹ xương, không để thịt cá tiếp xúc với nước lã, dùng giấy trắng bọc miếng thịt lấp trong xô gạo để thấm chất tanh, làm khô thịt, rồi thái lát mỏng. Tiếp đó chuẩn bị các gia vị gồm: Hoa chuối rừng thái mỏng ngâm nước, rau mùi tàu, rau thơm, húng lủi, húng nước, tía tô, ớt tươi, tỏi lá, tỏi củ, lạc rang giã nhỏ, mắc khén, hạt tê, quả chanh, đặc biệt không thể thiếu nước cốt măng chua. Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, người chế biến dùng liều lượng hợp lý trộn đều cá thái mỏng với các gia vị đã chuẩn bị. Với cách làm này các miếng thịt cá hòa quyện với hoa chuối, cộng với các gia vị tạo nên mùi thơm lạ của nước chua, vị ngậy thơm của lạc, vị cay của ớt. Lưu ý, sau khi trộn xong nên dùng ngay, tránh để lâu sẽ không giòn, sẽ không đậm đà nguyên vị.

Gỏi cá trộn.

Món gỏi cá của đồng bào dân tộc Thái  ăn một lần đều muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa, đã trở thành món ăn đặc sắc và mang đậm nét văn hóa ẩm thực riêng biệt không thể thiếu trên những mâm cỗ trang trọng, được nhiều ẩm thực gia và du khách đánh giá cao và ưu thích./.

Hồng Vân