Thịt treo gác bếp

Cập nhật: 05/01/2013
Thịt treo gác bếp từ lâu luôn được xem là “món chung” đầy thông dụng, cực ngon lành, lạ miệng của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc ở nước ta, mỗi nơi lại có những cách chế biến, nêm nếm gia vị khác nhau nên cho ra những miếng thịt treo gác bếp với khẩu vị rất riêng.

Thịt treo gác bếp 

Ở Lai Châu người dân thường làm các món thịt treo gác bếp từ thịt trâu, bò, lợn, gà, ngan, ngỗng, thậm chí cả chim muông...cũng tùy thuộc từng địa phương khác nhau mà người ta có cách chế biến thịt khác nhau. Có nơi đồng bào ngả thịt ra cho nguội. Tiếp đó đưa thịt vào cối giã cùng với lượng gia vị vừa đủ như tỏi, gừng, hạt vừng, mắc khén, hạt rổi muối... vừa đủ để gia vị ngấm vào thịt chứ không giã nát. Sau đó đem thịt trộn với một loại men làm từ các cây rừng và cho thịt vào gùi ủ kín 2 - 3 ngày và treo lên gác bếp. Một số nơi khác để giữ nguyên được hương vị của thịt người ta chỉ ướp gia vị chừng gần chục tiếng rồi treo lên gác bếp. Do bếp nấu ăn hàng ngày đun bằng củi luôn đỏ lửa nên hơi nóng của lửa sẽ làm cho miếng thịt săn lại, mỡ chảy ra một phần, phần còn lại nhìn rất trong, thịt nạc và da có màu vàng - đỏ thẫm. Để thịt thơm hơn đồng bào nơi đây còn lấy cây ngải cứu rừng và bã mía để về hun thịt. 
 

Sản phẩm từ thịt treo gác bếp 

Khi ăn, người ta lấy thịt xuống nướng than củi, vùi tro để xé thành sợi bé hoặc hơ qua lửa để thịt mềm ra rồi rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ sau đó chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: xào với cà chua, kho với lá tỏi hay đơn giản là xào lẫn với rau cải mèo đắng... Các món ăn được chế biến từ thịt lợn treo gác bếp ngon hơn so với các loại thịt lợn khác, miếng thịt chắc không bị nát, có mùi thơm rất đặc trưng, ta cảm nhận được trong đó có hương thơm thơm của mùi khói và vị ngọt ngọt của thịt đọng lại.
Đến với đồng bào các dân tộc ở Lai Châu trong những ngày xuân về không gì thú vị hơn được thưởng thức những món ăn lạ và ngon được chế biến từ thịt treo gác bếp./.
Bài Thanh Huyền, ảnh Internet