Người dân các tỉnh vùng cao được quyết mua bán, vận chuyển đào trồng

Cập nhật: 19/01/2021
Bộ NN-PT&NT vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào trồng. Theo đó, người dân tự quyết định việc khai thác cây đào trồng theo quy định pháp luật.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ NN-PT&NT Hà Công Tuấn ký ngày 18/1 cho biết, theo chỉ thị số 45 ngày 31/12/2020 của Thủ tướng về việc tổ chức phong trào Tết trồng cây, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, Bộ NN-PT&NT đã ban hành văn bản số 50 ngày 6/1 hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Bộ NN-PT&NT nhận được văn bản của tỉnh Sơn La về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác và xác nhận cây đào trồng.

Bộ cho biết, việc khai thác cây đào trồng, cây mai và các loại cây khác không thuộc đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình tự bỏ vốn trồng sẽ do chủ rừng tự quyết định việc khai thác theo quy định pháp luật.

Bộ đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo quản lý tại cơ sở, tuyên truyền vận động, không để lợi dụng chặt phá rừng. Trong thời gian trước mắt, các địa phương theo điều kiện cụ thể có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm các thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp.

Một vườn đào của người dân miền núi.

Trước đó, ngày 13/1, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên.

Một số huyện như Vân Hồ, Mộc Châu đã đề xuất in mẫu tem nhận dạng nguồn gốc để dán lên cây đào, trước khi khai thác, vận chuyển. Nhiều tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai đều tiến hành kiểm kê diện tích cây đào trồng.

Các tỉnh cho biết, trong địa bàn của tỉnh mình không có diện tích đào rừng, hầu hết là do người dân trồng trên nương rẫy.

Toàn tỉnh Sơn La có hơn 5.000 ha trồng đào, tập trung ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Nhiều năm qua, việc bán cành đào đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Kết quả kiểm tra, rà soát của địa phương này cho thấy, trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên. Người dân mong muốn được thương mại đối với cây đào trồng, bởi nó là cây phát triển kinh tế của địa phương.

Nhiều xã miền núi của huyện Vân Hồ đã có văn bản kiến nghị UBND cấp huyện, tỉnh xác nhận nguồn gốc cây đào trồng, để người dân yên tâm sản xuất, trồng theo quy mô lớn.

Thái Bình

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cac-tinh-vung-cao-duoc-quyet-mua-ban-van-chuyen-dao-trong-706504.html