KHÁM PHÁ ĐIỀU KỲ DIỆU

Cập nhật: 06/10/2021
KHÁM PHÁ ĐIỀU KỲ DIỆU Đó là lời khẳng định của những du khách đã đến và có dịp quay trở lại với bản Thẳm xã Bản Hon (Tam Đường), và “điều kỳ diệu” ấy chính là những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Lự nơi đây.

KHÁM PHÁ ĐIỀU KỲ DIỆU

 

Đó là lời khẳng định của những du khách đã đến và có dịp quay trở lại với bản Thẳm xã Bản Hon (Tam Đường), và “điều kỳ diệu” ấy chính là những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Lự nơi đây.

Để khám phá những nét độc đáo ở bản Thẳm với 43 hộ là đồng bào dân tộc Lự, du khách có thể đi theo hai cung đường khác nhau: thứ nhất từ trung tâm thị trấn huyện Tam Đường xuyên qua cánh đồng Bình Lư được mệnh danh là vựa lúa của vùng đất này với khoảng 14km; hay từ thành phố Lai Châu trên cung đường trải nhựa mềm mại như những dải lụa màu uốn quanh những nương chè, những bản làng trù phú, dòng suối, ao hồ lấp lánh như những chiếc gương khổng lồ long lanh trong sương sớm, và đầy chất thơ cùng những tiếng mõ trâu chiều.

 Sau quãng hành trình đầy thi vị thì trước mắt du khách là bản Thẳm với nhưng nếp nhà sàn cột gỗ, lợp gianh; có cấu trúc mái tr­ước dài hơn mái sau, đủ che kín cả cầu thang; bao quanh ngôi nhà là những loài cây ăn quả, những giò Phong lan đua nhau khoe sắc. Đón du khách trong những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo riêng ấy là những nụ cười như “mùa thu tỏa nắng” của những cô gái Lự có hàm răng đen hạt huyền, cùng ly nước lá rừng hay chè dây để du khách có thêm năng lượng trên hành trình khám phá điều kỳ diệu đầu tiên là hang động bản Thẳm. Dưới kiến tạo của tự nhiên hang động bản Thẳm có những lớp thạch nhũ uốn lượn, nhiều màu sắc, long lanh, lộng lẫy, kỳ vĩ và đầy huyền bí mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này. Sau những trải nghiệm đầy thú vị ấy, và được ngắm nhìn những kỳ quan của tạo hóa, mọi mệt mỏi chợt tan biến hết. Chỉ còn lại sự say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên đã ban tặng cho đất và người nơi đây.

                   Du khách chọn mua những sản phẩm lưu niệm của người dân nơi đây

Sau chuyến hành trình thăm hang động đã thấm mệt, thì những gia đình làm homestay sẽ là nơi lý tưởng để du khách có cơ hội thưởng thức những món ẩm thực của người Lự như: Thịt lợn nướng (dờ mu pỉn), Thịt lợn quay (Dờ mu kho), sôi màu, Món canh gà nấu gừng, Canh rêu đá (Tàu cay), Canh măng (tanh nó)... Bên cạnh đó không thể thiếu được rượu ngô, rượu thóc... sẽ cho du khách có những dư vị khó quên, để rồi cùng hòa mình vào những bài hát dao duyên, đối đáp; những điệu múa khăn, múa nón, múa quạt; hay những bài hát dân ca réo rắt, véo von vang vọng núi rừng của các tràng trai cô gái trong đội văn nghệ của bản… và rồi cùng trao nghiên trong những điệu múa xòe, múa sạp đến xoay nghiêng trời đất.

                           Đường vào bản Thẳm

Điều kỳ diệu ấy còn được thể hiện qua những lễ, tết, hội truyền thống được đồng bào dân tộc Lự nơi đây tổ chức hàng năm như: Tết cơm mới (Kin khẩu máy) là tết không thể thiếu ở mỗi gia đình người Lự trong năm, đây là tết có ý nghĩa cảm tạ công ơn tổ tiên và thổ địa đã giúp cho người dân trong bản có một mùa bội thu. Hay lễ cúng hồn trâu (vú khoăn khoai), lễ cúng hồn trâu được tổ chức sau khi cả bản đã làm xong mùa màng. Đây là lễ để cúng tạ ơn hồn trâu và cầu mong cho trâu được khoẻ mạnh béo tốt sau khi đã cùng người dân làm mùa vụ vất vả.

Bên cạnh đó nếu không có may mắn được hòa mình vào không khí của các lễ, tết, hội thì bù lại du khách có thể xem các bà, các mẹ, các chị thể hiện kỹ thuật xe sợi, nhuộm tràm, dệt vải, may thêu trang phục, khăn mũ. Đặc biệt là trải nghiệm quy trình nhuộm răng đen độc đáo của người Lự nơi đây và chụp những bức hình lưu niệm với những con người thân thiện, những nụ cười mến khách.

 Trước khi chia tay bản Thẳm trên con đường hoa với những cây cầu uốn lượn đẹp đến mê hồn, du khách có thể dừng chân mua những sản vật, đồ lưu niệm được trang trí công phu với những khăn, mũ, áo… do bà con tự chế tác. Đồng thời ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh bản Thẳm được vẽ lên như bức tranh thủy mặc muôn màu lung linh rực sáng. Đó sẽ là những ấn tượng khó phai đối với những ai đã từng khám phá những điều kỳ diệu của dân tộc dưới 10.000 người nơi miền biên viễn Lai Châu.

 

 Bài, ảnh: Nhật Minh

 

 

Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu