TỌA ĐÀM ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM DU LỊCH, DỊCH VỤ
TUYẾN TAM ĐƯỜNG – THÀNH PHỐ LAI CHÂU – PHONG THỔ
TỌA ĐÀM ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM DU LỊCH, DỊCH VỤ
TUYẾN TAM ĐƯỜNG – THÀNH PHỐ LAI CHÂU – PHONG THỔ
Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động tại sự kiện Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III. Sau 02 ngày tham quan, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ (Khu du lịch Đèo Ô Quý Hồ, Cầu kính Rồng Mây, bản Sin Suối Hồ, Chợ đêm San Thàng…), sáng ngày 26/12 tại thành phố Lai Châu, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức tọa đàm đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ.
Mục đich buổi tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến thành phố Lai Châu–Tam Đường–Phong Thổ. Cũng là dip để các đại biểu đưa ra những đánh giá tiềm năng, lợi thế, thực trạng khai thác sản phẩm du lịch tại các tuyến, điểm du lịch Tam Đường-Thành phố Lai Châu-Tam Dường, từ đó đề xuất định hướng khai thác một cách hợp lý tiềm năng du lịch tại các địa phương.
Lai Châu vùng đất được biết đến với khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao quanh năm mát mẻ. Nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và nền văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc; không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú Lai Châu còn là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng là cầu nối giữa SaPa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc; đã khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu.
Lai Châu cũng chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có 1 cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, giai đoạn (2016-2020) du lịch tỉnh đã đưa vào khai thác 16 điểm du lịch; 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó, 128 cơ sở với 2099 buồng/phòng; lượng khách năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 18%/năm. Có thể khẳng định du lịch Lai Châu đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Tuy nhiên, kết quả đạt được của du lịch tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch còn thấp so với cả nước; thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp; công tác quảng bá, xúc tiến thiếu chuyên nghiệp, chưa thu hút được thị trường khách du lịch có mức chi trả cao, hình ảnh du lịch tỉnh chưa đến được với thị trường khách quốc tế...
Tại buổi tọa đàm các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến đánh giá về những thế mạnh và tồn tại trong việc phát triển các sản phẩm du lịch tại Lai Châu. Từ thực tế khảo sát, các công ty lữ hành đều khẳng định tuyến du lịch này có nhiều cơ hội để phát triển, cảnh quan đẹp nhưng chua phát huy hết tiềm năng.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty Luxury Travel cho biết, vấn đề chuyền thông, quảng bá về truyền thông du lịch Lai Châu còn hạn chế, công tác xúc tiến quảng bá tiếp tục cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, tỉnh cũng chưa có được nét riêng tạo dấu ấn cho mình. Bởi vậy, khi đi cả cung đường từ thành phố về Bản chưa có điể check in tạo điểm nhấn.
Để khắc phục những hạn chế này, các đại biểu tham dự tọa đàm gợi ý, tỉnh cần chú ý đến sự tinh tế, độc đáo, khác biệt của sản phẩm. Người dân địa phương có thể tạo cảnh quan bằng cách trồng các loại cây ăn trái, hoa màu để du khách dạo chơi, chụp hình. Đồng thời, tỉnh cần chú trong bản sắc văn hóa riêng của người Mông gắn với phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương; quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường…
Hy vọng những đề xuất cụ thể này sẽ góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch phong phú của tuyến, tạo sự chuyển biến căn bản và những bước phát triển bứt phá trong thời gian tới, góp sức đưa du lịch nơi đây phát triển tương xứng với tiềm năng./.
Hải Long