Lai Châu: Ấn tượng với màn trình diễn nghệ thuật văn hoá của 14 dân tộc ít người

Cập nhật: 06/11/2023
Tối 3/11, hơn 5.000 người dân, du khách đã tới tỉnh Lai Châu tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, năm 2023 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Lai Châu chủ trì tổ chức. Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu khai mạc vào đêm 3/11/2023.

Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I gồm 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người như Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’Râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo đến từ 11 tỉnh gồm Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum.

Phát biểu trong đêm khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – bà Trịnh Thị Thuỷ cho rằng: “Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Lai Châu với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”.

Nhiều tiết mục ấn tượng, hấp dẫn thu hút du khách.

Thông qua các hoạt động của Ngày hội tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa, để các chủ thể văn hoá, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc rất ít người có cơ hội, điều kiện được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ bày tỏ, mỗi chúng ta đều đã và đang cảm nhận được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên 14 dân tộc đến từ Tây Nguyên xa xôi, Miền Trung ruột thịt, từ miền núi cao Đông Bắc, Tây bắc hội tụ về đây tham gia Ngày hội.

Với tinh thần giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau giữ gìn, tôn vinh, trao truyền và lan toả những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, không chỉ trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội, mà quan trọng hơn là lan toả tinh thần này trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày tại cộng đồng, để văn hoá truyền thống các dân tộc nói chung, các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng mãi mãi trường tồn.

Hầu hết các tiết mục nghệ thuật đều do các nghệ nhân quần chúng biểu diễn.

 

Phát biểu chào mừng ngày hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu – ông Lê Văn Lương bày tỏ sự phấn khởi, vinh dự và tự hào được chọn là nơi đăng cai tổ chức Ngày hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, “Chúng tôi ý thức sâu sắc được rằng, đây là cơ hội quý báu hơn bao giờ hết để chúng ta được chứng kiến các đoàn về tham dự Ngày hội trình diễn những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc nhất; cùng trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị cốt lõi về văn hóa truyền thống tốt đẹp của 14 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người đến từ 11 tỉnh trong cả nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”.

Chủ tịch Lê Văn Lương hy vọng du khách sẽ dành nhiều thời gian để có được những trải nghiệm thú vị và những ấn tượng tốt đẹp nhất về mảnh đất và con người Lai Châu.

Ngày hội khai mạc sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm với nhiều sự kiện, hoạt động diễn ra từ ngày 3 đến 5/11. Nổi bật như: Triển lãm Đặc trưng văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam và trang phục truyền thống của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 ngườI; thi đấu các môn thể thao dân tộc diễn ra tại Quảng trường tỉnh Lai Châu.

Tiết mục nghệ thuật công phu, mang nét đặc trưng của người dân tộc ít người.

Hoạt động gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia ngày hội tại Trung tâm hội nghị văn hoá tỉnh Lai Châu.

Chương trình liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục truyền thống của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng của các địa phương trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người đặc trưng ở địa phương…

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - ông Lê Văn Lương nhấn mạnh: "Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, tiêu biểu là Bảo vật Quốc gia Bia Vua Lê Thái Tổ, Khu di tích Bản Lướt, nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lai Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - Lê Văn Lương phát biểu tại ngày hội.

Lai Châu là một trong những điểm đến hấp dẫn để du khách có thể trải nghiệm và khám phá, với nhiều danh lam, thắng cảnh tươi đẹp, hùng vĩ như: Động Pusamcap, khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây, thác Tác tình, cao nguyên Sìn Hồ, đặc biệt tỉnh có 6/10 đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, đó là: Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Phàn Liên San, Tả Liên Sơn và Pờ Ma Lung, với độ cao đều trên dưới 3.000m".

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho hay: Trong những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt khá, thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước tăng nhanh.

Văn hóa, xã hội có nhiều điểm sáng, nhất là trong giáo dục, y tế, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 5%/năm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng và từng bước đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị được quan tâm toàn diện và có nhiều điểm nhấn ấn tượng.

Trong chiến lược phát triển văn hóa và xây dựng đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề: Về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã.

Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người nói riêng về cả vật chất và tinh thần là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đức Mậu

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/lai-chau-an-tuong-voi-man-trinh-dien-nghe-thuat-van-hoa-cua-14-dan-toc-it-nguoi-82211.html