Tục nhuộm răng đen - lối về cội nguồn người Lự Lai Châu

Cập nhật: 21/06/2024
Nhuộm răng đen là tập tục văn hóa lâu đời người Lự. Phụ nữ răng càng đen, càng bóng thì càng hấp dẫn...

Trên cả nước hiện có khoảng hơn 5000 người Lự, sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Tân Uyên của tỉnh Lai Châu. Cuộc sống của người Lự gắn liền với canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm. Ngoài thời gian lao động sản xuất, lúc nông nhàn, phụ nữ Lự sẽ quây quần thêu thùa, dệt vải. Hầu hết các gia đình người Lự đều có công cụ xe sợi, quay sợi.

Nhắc đến người dân tộc Lự thì không thể không nhắc đến những nét văn hóa truyền thống độc đáo như kiến trúc, trang phục, ẩm thực, lễ hội… và tục nhuộm răng đen. Tập tục nhuộm răng đen được xem là yếu tố quan trọng để đánh giá nét đẹp của phụ nữ Lự. Răng ai càng đen, càng bóng thì càng đẹp và hấp dẫn. 

Với người Lự, phụ nữ răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp (Nguồn ảnh: Báo Lai Châu)

Những cô gái người Lự thời xưa muốn lấy chồng không thể bỏ qua được tục nhuộm răng hoặc cấy răng vàng. Nét cười khoe hàm răng đen hay chiếc răng vàng thì dường như tươi tắn, rạng ngời hơn trong mắt người Lự.

Trước đây, phụ nữ dân tộc Lự thường tự nhuộm răng đen từ khi lên 13 – 14 tuổi. Nhưng bây giời, hầu hết là đợi đến khi bước vào tuổi trung niên, từ 35 tuổi trở lên mới bắt đầu nhuộm răng đen.

Với người miền xuôi, tục nhuộm răng đen có thể là lạc hậu, nhưng với người Lự, đó là nét đẹp, là sự tinh tế trong “bí quyết” nhuộm màu độc đáo của dân tộc.  Từ những nguyên liệu như cánh kiến tán nhỏ, vắt nước chanh rừng để khoảng một tuần. Thuốc ấy được phết vào hai mảnh lá cọ rồi ấp vào hai hàm răng lúc đi ngủ. Trong khoảng thời gian nhuộm răng sẽ kiêng nhai. Phụ nữ Lự sẽ nhuộm như thế 5,7 ngày cho răng đỏ già ra màu cánh gián thì bôi thuốc răng đen.

Thuốc răng đen được làm bằng phèn đen trộn với cánh kiến, nhuộm 1,2 miếng là răng đỏ màu đen nhánh. Sau đó dùng dao đốt nóng cho chảy nhựa ra, lấy nhựa ấy phết vào răng. Đó cũng là công đoạn cuối cùng trong quy trình nhuộm răng đen của phụ nữ dân tộc Lự.

Chia sẻ về tục nhuộm răng đen của người Lự trên Báo Dân tộc, PGS.TS Trần Bình - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng nhuộm răng đen không chỉ là phong tục của đồng bào dân tộc Lự mà còn là một phong tục của người Việt xưa. Những ai có hàm răng đen bóng đều được cho là đẹp. Răng đen là một yếu tố của nhan sắc đàn bà con gái. Những câu ca dao cho thấy giá trị của răng đen như: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen”...

Tỉnh Lai Châu đang sử dụng mọi nguồn lực để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Lự (Nguồn ảnh: Báo Dân tộc & Phát triển)

Tuy nhiên, có một thực tế khá buồn là tập tục nhuộm răng đen đang bị mai một vì lớp trẻ người Lự không còn thích nhuộm răng. Nếu đi vào các bản làng người Lự, chỉ còn thấy những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên nhuộm răng đen.

Nhận thấy những phong tục tập quán của người Lự có dấu hiệu mai một, nhiều năm nay, tỉnh Lai Châu đã tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa trong đồng bào. Đồng thời, những nếp nhà sàn, trang phục, lễ hội hay các làn điệu dân ca, tục nhuộm răng đen... đã và đang được cấp ủy Đảng , chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và người dân nỗ lực bảo tồn...Tỉnh gắn công tác bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, con người Lai Châu đến với du khách trong và ngoài nước; góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

H. Trang