2 điểm đến lịch sử không thể bỏ qua khi tới miền biên viễn Lai Châu dịp Quốc khánh 2/9

Cập nhật: 29/08/2024
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh đẹp, Lai Châu còn là vùng đất bảo tồn nhiều di tích lịch sử quan trọng. Trong dịp Quốc khánh 2/9 này hãy đến và tìm hiểu nhé!

Lai Châu là tỉnh vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt; là nơi định cư của hơn 20 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đặc trưng và giàu truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất.

Cho đến nay, trên địa hạt tỉnh Lai Châu vẫn còn rất nhiều di tích, địa điểm lịch sử ghi dấu những năm tháng oai hùng của quân và dân ta trong suốt nhiều năm dựng nước và giữ nước. Xin gợi ý đến bạn 2 điểm đến lịch sử không thể bỏ qua tại Lai Châu dịp Quốc khánh 2/9 năm nay:

1. Bia vua Lê Thái Tổ - Bảo vệ quốc gia ở địa đầu Tổ quốc

Quần thể đền thờ vua Lê Thái Tổ và bảo vật quốc gia bia vua Thái Tổ nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 110km về phía Tây, thuộc xã Lê Lợi và xã Phú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Đền thờ được dựng lên nhằm tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi - người có công dẹp loạn vùng Tây Bắc.

Tại quần thể thờ vua Lê có một di tích được xếp hạng bảo vật quốc gia, đó là bia vua Lê Thái Tổ. Vào tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà để lưu lại muôn đời sau, sử cũ gọi là "Bia cổ hoài lai".

Văn bia ghi lại sự kiện vua Lê Thái Tổ thân chinh cầm quân dẹp loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là sự kiện năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn - bày tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quẫy nhiễu dân chúng nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu - Sơn La).

Để dẹp phản loạn, vua Lê Thái Tổ phái Quốc vương Tư Tề và quân Tư khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó, ông thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn). Đại quân của triều đình đi theo hướng sông Hồng, rồi ngược sông Đà, bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch ở Đèo Cát Hãn.

Tháng Chạp năm Tân Hợi, sau khi bình định được vùng Tây Bắc, trên đường trở về qua xã Lê Lợi, để ghi nhớ sự kiện này và đồng thời cũng để răn dạy các tù trưởng cai quản biên cương, vua Lê Lợi đã khắc vào đá bài văn ghi nhớ sự kiện này:

“Bọn giặc cuồng sao dám tránh sự trừng phạt,

Dân biên thùy từ lâu mong ta đến cứu sống

Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có

Đất đai hiểm trở từ nay không còn

Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ,

Sông núi từ nay nhập vào bản đồ

Đề thơ khắc vào núi đá

Trấn giữ phía Tây nước Việt ta".

Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi (1431)

Ngọc Hoa động chủ đề.

Cho đến nay, tấm văn bia của vua Lê Thái Tổ đã trở thành di sản văn hóa quý báu, là bảo vật quốc gia, là lời khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm, nhắc nhở đời sau về nơi "phên dậu" trọng yêu, hùng vĩ của miền Tây Bắc Tổ quốc.

Bia vua Lê Thái Tổ: Bia vua Lê Thái Tổ là hiện vật lịch sử ghi chép công lao vĩ đại của vị anh hùng Lê Lợi trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm (Nguồn ảnh: Internet)

2. Nơi giam giữ cố Luật sư - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996) là luật sư, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đã có giai đoạn gắn liền với miền đất sơn cước Lai Châu.

Cụ thể, đầu năm 1950, phong trào đấu tranh chính trị của Nhân dân thành phố Sài Gòn diễn ra sôi nổi, có tổ chức. Để tiếp tục hướng dẫn dư luận, nhóm trí thức ở Sài Gòn, trong đó có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tự in các thông cáo để phát đến tay đồng bào.

Ngày 13/4/1950, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị bắt với "tội" phát tán truyền đơn bất hợp pháp. Trước sức ép của dư luận, nhân dân biểu tình, thực dân Pháp không dám đưa ông Hữu Thọ ra tòa xét xử. Để cách ly ông với phong trào cách mạng ở Sài Gòn, chúng đày ông lên bản Giẳng (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Đây là nơi tận cùng phía Tây Bắc của đất nước, cuộc sống hoang sơ, khóa khăn trăm bề nhằm đày đọa, giết chết người chiến sĩ cách mạng trung kiên.

Tháng 6/1950, thực dân Pháp cho máy bay chở đồng chí Nguyễn Hữu Thọ lên thị xã Sơn La. Từ Sơn La, ô tô chở đồng chí Hữu Thọ theo đường số 6 đến Lai Châu.

Tuy nhiên, thực dân Pháp không thể ngờ rằng, tại bản Giẳng, đồng chí Hữu Thọ lại được bà con nhân dân đùm bọc, yêu mến, xem như người con, người thầy của bản làng. Thậm chí, nhân dân còn dựng nhà gỗ để ông có nơi sinh sống.

Sau này, để tưởng nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, tỉnh Lai Châu đã xây dựng công trình nhà lưu niệm tại xã Mường Tè. Nhà lưu niệm được khánh thành vào ngày 8/12/2012. Đây là nơi lưu giữa một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật về đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trong thời gian ông sống và hoạt động cách mạng tại đây.

Khu tưởng niệm đồng chí Hữu Thọ: Không gian khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tại xã Mường Tè (Nguồn ảnh: Laichau.gov.vn)

Đến nay, di tích nằm trên địa phận bản Giẳng, xã Mường Tè (huyện Mường Tè) đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngoài 2 điểm đến lịch sử trên, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 này, du khách có thể tham quan thêm nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khác tại tỉnh Lai Châu như: Di tích danh lam thắng cảnh quần thể hang động Pusamcap; Hang kháng chiến Nà Củng, Thác Tác Tình (Tam Đường),…

Thu Nga