Vì sao nhất định phải đến trải nghiệm Sin Suối Hồ một lần trong đời?

Cập nhật: 30/09/2024
Không chỉ được mệnh danh "thiên đường trên mây", Sin Suối Hồ còn là nơi lưu giữ văn hóa, ẩm thực cùng những câu chuyện thấm đẫm tính huyền thoại. Nếu có cơ hội đến Lai Châu xin đừng bỏ qua Sin Suối Hồ - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Sin Suối Hồ - "thiên đường trong mây" giữa lòng Lai Châu

Ẩn mình giữa lưng chừng núi Sơn Bạc Mây, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km là bản xinh đẹp mang tên Sin Suối Hồ (thuộc huyện Phong Thổ). Theo tiếng dân tộc Mông, "Sin Suối Hồ" có nghĩa là "suối có vàng". Bản làng này là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông.

Cung đường đến Sin Suối Hồ có nhiều cung đèo, dốc, nhưng du khách vẫn khát khao được đến đây một lần. Đặc biệt vào mùa hoa dã quỳ nở, ven đường lên đến bản làng Sin Suối Hồ đẹp tựa tranh vẽ...

Bản Sin Suối Hồ được du khách thập phương mệnh danh là "thiên đường trong mây". Bởi khi đến đây, du khách sẽ được đắm chìm trong biển mây vào mỗi sáng sớm, được ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh của thác Tình Yêu, thác Trái Tim khi chiều về. Vào độ tháng 9, tháng 10, du khách sẽ được chiêm ngưỡng màu vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang.

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là điểm săn mây đẹp ở Lai Châu. (Nguồn ảnh: Đình Tùng)

Vài năm trở lại đây, Sin Suối Hồ trở thành một điểm đến được đánh giá "5 sao" trên bản đồ du lịch Lai Châu bởi những thay đổi tích cực nhưng vẫn giữ được néy văn hóa cộng đồng truyền thống của người Mông. Từ một bản chìm trong khói thuốc phiện, rượu chè say sưa đêm ngày... Giờ đây, Sin Suối Hồ đã trở thành bản Mông "5 không": Không ai hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bữa.

Những đổi thay tích cực này đã từng bước đưa Sin Suối Hồ trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng kiểu mẫu, một bản người Mông sạch đẹp với lối đi ngập sắc hoa địa lan.

Đặc biệt, Sin Suối Hồ vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa phong tục cùng nếp sống thuần hậu, mộc mạc của người Mông. Một trong số đó là nét văn hóa chợ phiên, dù có nhỏ nhưng vẫn đầy sắc màu nhộn nhịp với những sản vật từ núi rừng.

Sin Suối Hồ - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á

Từ một bản 100% người dân tộc Mông nghèo khó, đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành bản du lịch với 150 hộ dân với 762 nhân khẩu. Nhờ phát triển du lịch mà đến nay mỗi hộ đã có thu nhập từ 100 - 400 triệu đồng/năm. Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón gần 30.000 lượt khách trong và ngoài nước. Bản Sin Suối Hồ cũng từng được tỉnh Lai Châu chọn để thực hiện Đề án "Xây dựng đời sống nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025".

Thế nhưng, để nếm được những "trái ngọt" của hôm nay thì đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ bà con dân bản, nhất là những người tiên phong, đứng đầu. Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ từng chia sẻ, trước đây đời sống của bà con khó khăn vô cùng, đường xá đi lại toàn là đường mòn; ở bản nhiều người lớn nghiện thuốc lào, rượu chè, thuốc phiện. Với trách nhiệm là trưởng bản, anh  cùng với anh Hảng A Xà đã đi vận động bà con bỏ thuốc, đi cai nghiện và cùng xây dựng kế hoạch phát triển du lịch từ những nguồn lực sẵn có.

"Trong quá trình xây dựng du lịch cộng đồng, tôi và anh Hảng A Xà đều không được đi học, không có kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm, tự học, tự làm, chính từ sự nỗ lực của mỗi người cùng với sự tham gia tích cực của bà con trong bản mô hình du lịch cộng đồng nơi đây bước đầu đã được nhiều nơi biết tới", trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, qua các phiên chợ thứ Bảy hàng tuần ở Sin Suối Hồ, qua người dân, du khách khắp nơi tìm đến bản Sin Suối Hồ để cùng dự, tìm hiểu nét văn hóa chợ phiên, cùng giao lưu, trò chuyện, bàn chuyện làm ăn, ngắm phong cảnh... Từ đó, mô hình du lịch cộng đồng được lan rộng và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Được biết, thời điểm khách du lịch đến Sin Suối Hồ đông nhất từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Khi đến đây, du khách được khám phá những nét phong tục văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông; hòa mình vào tập quán sinh hoạt văn hóa đặc trưng, cùng với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống và làm nông nghiệp; tham quan những cổng nhà độc đáo, xinh xắn, đậm đà bản sắc và thân thiện với môi trường; các mô hình tái hiện các hoạt động trai gái tỏ tình, hoạt động sản xuất, nhuộm vải và tham quan vườn đào, vườn lan...; trải nghiệm các trò chơi dân gian; mua sắm các sản phẩm lưu niệm tại chợ phiên cuối tuần.

Một trong những nét đẹp được du khách ghé thăm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là hình ảnh những người phụ nữ Mông thư thái ngồi thêu hoa văn trên những tấm thổ cẩm.

Tại bản Sin Suối Hồ có đầy đủ dịch vụ ăn, nghỉ, văn nghệ…để đáp ứng và phục vụ các nhu cầu của khách du lịch. Hiện bản có 26 hộ đang làm dịch vụ du lịch. Về dịch vụ lưu trú tại bản có các homestay, bungalow với những tên gọi thú vị như: Tổ chim, tổ ếch, tổ ong, hoa lan…

Du khách check-in tại Cổng nhà homestay được thiết kế độc đáo và thân thiện với môi trường. (Nguồn ảnh: Đình Tùng)

Du khách check -in tại quán Sa Coffee ở Sin Suối Hồ

Về ẩm thực, bản Sin Suối Hồ có phục vụ đầy đủ ăn sáng, ăn trưa và ăn tối theo nhu cầu của khách như lợn bản đủ món, nộm rau dớn rừng, lẩu cá tầm, sâu măng chiên giòn, nộm hoa chuối, xôi nếp nương, thắng cố, thịt hun khói, rau cải mèo,... mang đậm nét đẹp ẩm thực của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt bạn sẽ được thưởng thức món Tau Ke (gà hầm trong quả bí), ngan xào mầm thảo quả, rau tiêu rừng…của bản.

Ẩm thực bản Sin Suối Hồ Lai Châu rất dân giã và đa dạng.(Nguồn ảnh: Phunuvietnam)

Nhiều du khách lựa chọn Sin Suối Hồ làm điểm đến nghỉ dưỡng và khám phá.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ để tái thiết cuộc sống, phát triển bản làng, ngày 5/2/2023, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023, bản Sin Suối Hồ vinh dự được nhận giải thưởng ở Hạng mục Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3.

Giải thưởng Du lịch ASEAN là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh các địa phương có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN. Đây là cơ hội góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Lai Châu nói riêng.

 

 

 

H. Trang