PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Cập nhật: 16/10/2024
Đó là xu hướng tất yếu ở Việt Nam nói chung và Lai Châu nói riêng, đã thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo diện mạo mới văn minh, giầu bản sắc ở các xã bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới Lai Châu.

Ngắm những ngôi Nhà tổ ong và những điểm check-in mới tại bản Du lịch Sin Suối Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Mai Thị Hồng Sim cho biết: “Xác định Du lịch nông thôn là một hình thức du lịch độc đáo, kết hợp giữa trải nghiệm văn hóa và môi trường tự nhiên tại khu vực nông thôn như: du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái... Vì vậy để du lịch nông thôn phát triển bền vững, thời gian qua Phong Thổ đã tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống. Đồng thời phát huy tối đa mọi nguồn lực, tập trung xây dựng được nhiều điểm đến du lịch nông thôn hấp dẫn như: bản Du lịch Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, hãy các lễ hội thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm khám phá hàng năm như: Then Kin Pang, Nàng Han của dân tộc Thái; lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông... từ đó thiết thực góp phần nâng cao thu nhập và tạo sinh kế cho người dân, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ocop, sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc”.

Du khách check-in, trải nghiệm tại bản Du lịch Sin Suối Hồ.

Để có những Điểm du lịch nông thôn phát triển theo hướng bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước như: Vịnh Pá Khôm; hay bản Du lịch Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, Đồi chè Tân Uyên... thì ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2025. Đồng thời các huyện, thành phố đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc, từ đó tạo luồng gió mới cho du lịch nông thôn phát triển theo hướng bền vững.

Thưởng thức những món ẩm thực độc đáo như: pa pỉnh tộp, dê nướng tảng, canh gà gừng, xổm phát, nộm rau rừng, da trâu nướng... tại Vịnh Pá Khôm, một điểm du lịch nông thôn xã Pha Mu (Than Uyên), Anh Vũ Tuấn Anh Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Du lịch Hành Trình Sài Gòn chia sẻ: “Vịnh Pá Khôm như một phiên bản thu nhỏ của vịnh Hạ Long, có làn nước trong xanh, những hòn đảo nhỏ xinh, có cả những cánh rừng xanh bạt ngàn chạy dài tít tắp. Vịnh sở hữu những ngọn núi đá vôi cùng thảm thực vật phong phú, màu nước xanh mướt như ngọc, nhìn trên xuống giống như bức tranh sơn thủy hữu tình. Với những người ưa hoạt động, khi đến vịnh Pá Khôm, sẽ rất hứng khởi tham gia các hoạt động trải nghiệm giữa địa hình có cả sông nước và núi rừng như bơi lội trên mặt hồ xanh mướt, chèo thuyền kayak hay thử cảm giác mạnh với mô tô nước… Tất nhiên rồi, chúng tôi sẽ dẫn nhiều đoàn khách đến đây để trải nghiệm mô hình du lịch mới và đầy thú vị này của Lai Châu”.

Để phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững thì ngoài việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phục dựng và bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu tại 11 bản du lịch cộng đồng, thì Lai Châu còn hỗ trợ bảo tồn phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống; các loại hình biểu diễn văn hóa; phục dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm đặc sản ocop để phục vụ khách du lịch. Đặc biệt là tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao như: giải đua Mô tô địa hình tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ I, tại huyện Tân Uyên, tổ chức các Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch gắn với quảng bá sản phẩn nông nghiệp ocop; tham gia và tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch Lai Châu tại các sự kiện khu vực, toàn quốc và quốc tế...

Giải đua Mô tô địa hình tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ I, tại huyện Tân Uyên đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau, đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, từ đó du lịch nông thôn Lai Châu đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 39,6%/năm. Mục tiêu năm 2024, đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, thì 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón 1.099.000 lượt khách, tăng 37,42% so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 97,43% so với kế hoạch năm 2024); doanh thu ước đạt 909,006 tỷ đồng, tăng 55,06% so với cùng kỳ năm 2023.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Đồi chè Tân Uyên (huyện Tân Uyên).

Xem đội văn nghệ luyện tập tiết mục mới để phục vụ du khách, Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho hay: “Từ một bản nghèo với tỷ lệ người nghiện cao, nhưng nhờ biết chung sức, đồng lòng phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững như: Trồng địa lan, thảo quả... nên đến nay bản Sin Suối Hồ chúng tôi không những đẩy lùi được các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập ổn định, mà bản đạt “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.

Phát huy nhưng kết quả đạt được và để du lịch nông thôn phát triển bền vững, thời gian tới Lai Châu tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia; quảng bá, kết nối và xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn với các hãng lữ hành hay trung tâm du lịch lớn; đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong việc kích thích mọi giác quan của du khách khi tiếp cận với sản phẩm du lịch nông thôn được quảng bá bằng công nghệ thông tin.

Bài, ảnh: Nhật Minh