"Kết nối con đường di sản" - Sản phẩm du lịch liên kết vùng đầy tiềm năng

Cập nhật: 19/11/2024
Lai Châu tích cực tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng mang tên "Kết nối con đường di sản". Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang là điều rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển chung của du lịch Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

"Kết nối con đường di sản" là sản phẩm du lịch nằm trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelie-Aquitaine (CH Pháp) nhằm định hướng phát triển sản phẩm du lịch kết nối di sản giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang.

Trong tour "Kết nối con đường di sản", du khách sẽ được tham quan thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà và thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai); huyện Phong Thổ (Lai Châu) và huyện Xín Mần (Hà Giang). Qua đó liên kết các điểm du lịch có giá trị về thiên nhiên, di sản, văn hóa, lịch sử: Khu chạm khắc đá cổ; Nhà trưng bày đá cổ, đường đá cổ Pavie; cộng đồng dân tộc Hà Nhì; dinh thự Hoàng A Tưởng; chợ Bắc Hà; danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa; danh thắng ruộng bậc thang Thề Pả; Vườn di sản Asean…

Nhận thấy đây là sản phẩm du lịch bền vững, có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển du lịch Lai Châu nói riêng và du lịch Tây Bắc nói chung, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch "Phối hợp tổ chức Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch kết nối con đường di sản". Hoạt động này nằm khảo sát, đánh giá tính khả thi của việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch: Kết nối con đường di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần (Hà Giang).

Tại "tọa độ" Lai Châu sẽ tiến hành khảo sát, trải nghiệm thực tế sản phẩm, dịch vụ du lịch ở khu du lịch sinh thái Ô Quy Hồ, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Đường đá cổ Pavie (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Thời gian từ ngày 14/11 đến ngày 16/11 với sự tham gia của 60 đại biểu do Sở Du lịch Lào Cai mời; 2 đại biểu thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu; Bên cạnh đó còn có đại biểu, đại diện của huyện Phong Thổ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và doanh nghiệp lữ hành Lai Châu.

Một số điểm đoàn đã khảo sát (Nguồn ảnh: Báo Lào Cai)

Từ hoạt động khảo sát này, các bên liên quan đã đánh giá được một cách khách quan về điểm mạnh của sản phẩm du lịch liên kết vùng: Các địa điểm khảo sát có sự phong phú của di sản thiên nhiên và văn hóa. Nhiều di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được công nhận; Bản sắc văn hóa, phong tục, ẩm thực truyền thống của các dân tộc được giữ gìn; Cung đường di chuyển thuận lợi; Phong cảnh núi non hùng vỹ, tạo nên sức hấp dẫn du lịch; Khí hậu thuận lợi với đi bộ điền dã. Đặc biệt, cả 3 tỉnh trên địa bàn sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra một số yếu điểm: Du khách phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở Sa Pa, Bắc Hà dẫn đến dư thừa công suất lưu trú, suy giảm tài nguyên du lịch; Ít tuyến du lịch, chưa phát duy được giá trị di sản; Chất lượng dịch vụ chưa đồng nhất; Thiếu thông tin về hoạt động có sẵn tại địa phương; Di sản chưa được bảo tồn tốt.

Từ những điểm mạnh và điểm yếu trên sẽ đánh giá chi tiết nhất về tiềm năng phát triển, hướng đi tốt nhất cho sản phẩm du lịch liên kết vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang.

H. Trang