Lai Châu ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lai Châu, phấn đấu đến năm 2045 đưa cao nguyên Sìn Hồ, Ô Quy Hồ trở thành khu du lịch Quốc gia

Cập nhật: 29/04/2025
Nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 23/6/2024 và Quyết định số 382/QĐ-TTg ngày 21/02/2025. Ngày 17/4/2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Kế hoạch số 1625/KH-UBND về thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Một góc thành phố Lai Châu sau 20 năm chia tách và thành lập tỉnh (ảnh: Đào Tiến Dũng)

Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, trong đó: mục tiêu tổng quát hướng đến năm 2026 lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng 02 khu du lịch tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia, 27 khu du lịch cấp tỉnh trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; đến năm 2030 đưa du lịch Lai Châu trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Lai Châu, thân thiện với môi trường; hết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hài hòa trong tổng thể không gian cảnh quan, sinh thái và mang đặc trưng văn hóa các dân tộc của tỉnh; hạn chế và giảm tải việc sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu/điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khu di tích lịch sử - văn hoá.

Cao nguyên Sìn Hồ một trong hai khu du lịch tiềm năng định hướng đến năm 2045 phát triển thành khu du lịch Quốc gia

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu đón trên 1,4 triệu lượt khách du lịch với tổng thu từ du lịch đạt trên 1.200 tỷ đồng. Đến năm 2030, đón trên 2,4 triệu lượt khách du lịch với tổng thu từ du lịch đạt trên 2.750 tỷ đồng. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 1.500 buồng/phòng lưu trú đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; tạo ra khoảng 9.000 việc làm từ ngành du lịch (trong đó lao động trực tiếp khoảng 3.000 người).

Năm 2025, du lịch Lai Châu phấn đấu đón trên trên 35.000 lượt khách du lịch quốc tế

Đến năm 2045 xây dựng được 02 khu du lịch (Cao nguyên Sìn Hồ - huyện Sìn Hồ, Ô Quy Hồ - huyện Tam Đường) đủ điều kiện công nhận là khu du lịch Quốc gia để đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực và cả nước.

Khu du lịch cầu kính Rồng Mây một trong những khu du lịch nằm trên cung đường đèo Ô Quy Hồ địa điểm tiềm năng được xác định trở thành khu du lịch quốc gia tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 23/6/2024 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Để đạt được mục tiêu trên, tại Kế hoạch cũng đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: (1)Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung về Quy hoạch hệ thống du lịch đến các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; các nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế nhằm huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch; (2)Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường khách trong giai đoạn phát triển mới (trong đó nhấn mạnh: cần tập trung xây dựng, ban hành các Đề án, chương trình phát triển du lịch, huy động nguồn lực cho phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng tại các khu, điểm điểm du lịch có tiềm năng để trở thành khu du lịch quốc gia như: Cao nguyên Sìn Hồ - huyện Sìn Hồ; Khu du lịch Ô Quy Hồ - huyện Tam Đường….; Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đang thu hút, thực hiện thủ tục đầu tư như: Khu du lịch suối Phiêng Phát, huyện Tân Uyên; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Pắc Ta, huyện Tân Uyên; Vườn địa đàng Sơn Bình, huyện Tam Đường; Khu du lịch cao nguyên Sìn Hồ…; phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: Sinh thái núi, hang động và đường thuỷ sông Đà; sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số; du lịch chuyên đề “Lễ hội”, “tâm linh”; du lịch khám phá thiên nhiên, thể thao mạo hiểm... tập trung tại các địa phương Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ...)

Thời gian tới Lai Châu tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương trong đó ưu tiên phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái núi (ảnh: minh hoạ)

(3)Xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Lai Châu thông qua việc đa dạng hoá các hình thức truyền thông, quảng bá phù hợp với sự phát triển du lịch trong giai đoạn mới như: đăng cai tổ chức và tổ chức các sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quy mô; tham gia một số sự kiện trọng tâm, trọng điểm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì tổ chức; Tổ chức các đoàn presstrip mời các vlogger, blogger, streamer, các nhiếp ảnh gia quốc tế, những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội tại Việt Nam đến Lai Châu trải nghiệm và khám phá các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch...; (4)Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch với việc sản xuất và phát hành các ấn phẩm du lịch điện tử - ebook bằng ngôn ngữ Việt – Anh – Trung, xây dựng trailer quảng bá trên các trang mạng xã hội...; (5)Phát triển nguồn nhân lực du lịch trong đó tăng tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ nghề du lịch, ngoại ngữ...; (6)Huy động và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư; (7)Huy động, thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, viện trợ phi chính phủ và khu vực tư nhân cho phát triển du lịch.

Lai Châu tiếp tổ chức và đăng cai tổ chức các sự kiện có quy mô cấp quốc gia, cấp tỉnh và tại các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam (ảnh: Lễ hội Đền thờ Va Lê Thái Tổ tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu)

Với các nhóm giải pháp được xác định cụ thể tại Kế hoạch số 1625/KH-UBND cùng sự chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả của Uỷ ban nhân dân tỉnh với các nội dung tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lai Châu góp phần quan trọng trong việc đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu cũng như việc thích ứng với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới sớm đưa du lịch Lai Châu trở thành điểm đến mới hấp dẫn tại khu vực và cả nước./

Thoa Đồng