Nghề dệt phát triển mạnh, phổ biến ở các dân tộc (tộc người, sắc tộc) Lai Châu, đáp ứng nhu cầu của con người. Công việc dệt vải chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Đây là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì cao.
Phụ nữ dân tộc Lự dệt vải.
Trong xã hội cổ truyền, đồng bào các dân tộc đã biết trồng bông, trồng đay, trồng lanh để dệt vải. Làm ra được một tấm vải phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, tỉ mỉ. Từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi, dệt mới làm ra được sản phẩm thô. Để tạo ra độ bền đẹp, nhiều màu sắc thì mỗi dân tộc lại có những bí quyết và kinh nghiệm riêng. Mỗi dân tộc gắn liền với việc sử dụng một số loại cây để làm nguyên liệu dệt cho mình, người Thái luôn gắn liền với cây bông, còn người Mông dùng cây lanh, người Dao, người Hà Nhì chọn cây bông. Kỹ thuật dệt vải của đồng bào các dân tộc rất khác nhau. Người Thái có thói quen đo chiều dài bằng đôi tay: Đốt, ngón, gang, khuỷu tay, cánh tay, sải tay. Vải được đo bằng sải. Cứ bốn sải bằng một đơn vị mang tên ton. Một năm, người phụ nữ dệt được một ton thì gọi là làm được một giấc dệt, được gọi là người giỏi. Nghề dệt cổ truyền của người Thái đã gắn liền với các sản phẩm dệt nổi tiếng như: Vải trắng “phải đón”; vải đen “phải đăm”, vải có màu gạch non “phải náy”, vải dệt hoa kẻ ô “phải lãi khăm”, vải thổ cẩm “khít hay khít nhỏ”, vải hoa mặt chăn “phải lai na phả”; vải tơ tằm “pe” và một số đồ dùng gối, khăn.
Người Dao, người Mông nổi tiếng với sản phẩm làm từ sợi lanh, sợi bông. Để tạo ra những màu sắc khác nhau người ta phải dùng những chất liệu để nhuộm cho vải có màu sắc theo ý muốn.
Ngày nay các sản phẩm của nghề dệt đang ngày càng bị bó hẹp trong phạm vi một số ít hộ gia đình do các sản phẩm thủ công may sẵn tràn lan ngoài thị trường. Mặt khác do một bộ phận người dân thay đổi nhu cầu về trang phục nên trang phục truyền thống ít xuất hiện hơn trong đời sống hàng ngày so với trước đây.
Phương Liên