Ai đã một lần lên thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ tắm (ngâm) lá thuốc (châu đề sua), bấm huyệt, sau đó thưởng thức bát canh gà nấu gừng sẽ không thể nào quên cảm giác khoan khoái, thoải mái tuyệt vời.
Để được một thùng nước ngâm có chất lượng chủ quán phải tuân thủ các công đoạn bắt buộc: chọn người dân biết nghề thuốc lá, thông thạo địa hình lên rừng từ sáng sớm, lúc lá cây còn đọng sương càng tốt, tìm lấy đủ 8 loại cây thuốc, số lượng lá đủ đun 1 - 2 thùng nước tắm.
Khi lá về đến nhà đem băm, trộn đều cho vào chảo to, nước vừa đủ, mỗi chảo lá thuốc cho thêm 3 củ gừng đập nhỏ đun sôi từ 3 đến 4 tiếng ủ lại trên bếp lò, khi mở nắp chảo nhìn thấy nước đen sóng sánh là tốt...
Nói đến thùng ngâm lá thuốc là nói đến bản sắc văn hoá của dân tộc Mông. Chỉ có dân tộc Mông mới làm được thùng gỗ này. Thùng làm bằng gỗ pơmu, chiều cao khoảng 120cm, đáy thùng là một tấm gỗ pơmu liền, đẽo tròn rộng khoảng 60cm, mỗi thùng được ghép từ 30 đến 40 thanh gỗ. Mỗi thanh đầu nhỏ rộng chừng 10cm, đầu to rộng khoảng 15cm để khi ghép thùng bao giờ đáy thùng cũng nhỏ hơn miệng thùng. Bên ngoài thùng được giữ bằng 4 vòng đai, chẻ từ song mây tết lại hoặc bằng đai sắt. Thùng gỗ ngâm lá thuốc đảm bảo đổ nước vào không bị rò rỉ...
Khi có khách đến tắm, chủ quán chỉ việc múc nước thuốc đã đun sôi ở chảo đổ vào thùng gỗ hoà với nước đun sôi để đủ độ ấm. Du khách ngồi vào thùng để nước thuốc dâng lên tới cổ khoảng 15 đến 20 phút (ngâm lâu quá sẽ say thuốc).
Ngâm xong, du khách được nhân viên là người dân địa phương bấm huyệt. Sau cùng du khách được thưởng thức món canh gà nấu gừng dân tộc nóng hổi vừa ngon vừa bổ.
Mời bạn hãy một lần ghé thăm cao nguyên Sìn Hồ để được đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ của vùng núi Tây Bắc, nơi được coi như Sa Pa thứ 2 và đặc biệt là thưởng thức cảm giác khoan khoái không thể nào quên khi ngâm mình trong thùng lá thuốc ở thị trấn huyện Sìn Hồ.
(Nguồn: Nhất Định - Báo Lai Châu)