Vẻ đẹp tự nhiên của mái nhà Tây Bắc

Cập nhật: 16/06/2012
Đá làm mái mà dân thường gọi là đá bản, đá phiến hay đá chẻ có nhiều ở vùng núi phía bắc. Trữ lượng lớn và chất lượng đồng đều hơn thì tập trung ở mỏ đá Hát Xum (xã Nậm Ban, Sìn Hồ). Mỏ này lộ thiên nằm cạnh bờ sông Nậm Ban nên trước đây, dân quanh vùng khai thác đá để lợp nhà.


Mái nhà đá đen

Đá được bóc lấy từng phiến lớn. Do đá chỉ có một thớ nên loại đá này được gọi là đá phiến. Cái tên đá chẻ bắt nguồn từ cách khai thác. Trước khi chẻ đá, người khai thác phải cắt ngang thớ, rồi dùng các loại nêm khác nhau để bóc ra thành từng lớp mỏng.
Đá lợp mái có hai loại là đá đen và đá mầu. Nhiều người cứ tưởng đá đen là do đá mầu bị ô-xy hóa mà thành. Được biết, đá mầu có tuổi Lam-bri, còn đá đen ở bậc Các-ni, cách đây khoảng hơn 200 triệu năm.
Để lợp nhà, người dân chẻ đá thành những miếng ngói vuông kích thước 30cm, dày 4mm. Hai đỉnh hình vuông chéo nhau được cắt đi để có thể ghép mí lên nhau. Một đỉnh hình vuông được đục một lỗ nhỏ. Khi lợp, người dân xuyên thép qua lỗ và buộc vào rui. Hai viên cạnh nhau chỉ dính mí một ít.
Ở Việt Nam, nhiều công trình lớn xây dựng từ thời Pháp thuộc như Nhà hát lớn Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Nhà hát lớn Hải Phòng và Nhà hát lớn ở TP Hồ Chí Minh đều được lợp bằng mái đá.
Khi sử dụng đá phiến, sau khai thác và chế tác xong, quan trọng nhất là xử lý đá trước khi đưa vào sử dụng. Ngay cả chuyện lợp mái, phải biết tính toán độ dốc, cách lợp để bảo vệ ngói. Cách lợp chéo của người dân tộc, chỉ thích hợp ở vùng ít gió hoặc không có gió lớn.
Một trong những ưu điểm của đá phiến là tuổi thọ cao. Ngói đá có thể dùng được 80 năm. Không truyền nhiệt và không hấp thụ nhiệt, nên nhà lợp bằng mái đá khá mát. Do không có canxi cấu thành, nên đá phiến không bị ăn mòn acid. Nhờ kết cấu khá đặc biệt, nên khi tách ra, đá phiến có bề mặt khá phẳng, tạo vẻ đẹp tự nhiên nên gần đây, ngoài việc dùng nó làm tấm lợp các kiến trúc sư cũng dùng đá phiến để trang trí.

Trọng Văn (ST)