Người giữ văn hóa Si La

Cập nhật: 24/10/2012
Tỉnh Lai Châu có hai bản người Si La cư trú ven lưu vực sông Đà (Si Thau Chải, Seo Hai thuộc xã Kan Hồ) với 476 người. Do mấy mươi năm không thoát ra khỏi cổng bản nên việc dựng vợ, gả chồng, sinh con của bà con chỉ loanh quanh trong dòng tộc... Người Si La thường hay che dấu gốc gác của mình và ít giao tiếp với các dân tộc khác. Do vậy những bản sắc văn hoá của dân tộc này ít được người khác biết đến và giờ đây văn hoá của dân tộc Si La chỉ còn trong tiềm thức của những già làng. Về thăm bản Seo Hai, bản nguồn cội của dân tộc Si La ở Xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, để gặp một già làng hiếm hoi còn lưu giữ được hầu như toàn bộ những nét văn hoá cổ đặc trưng của dân tộc Si La, ông là Hù Chà Khao.

Đã nhiều năm nay, già làng Hù Chà Khao ở bản Seo Hai, xã Can Hồ (Mường Tè - Lai Châu) âm thầm sưu tầm và lưu giữ hầu hết những nét văn hoá đặc trưng của người Si La. Nhờ đó, hồn văn hóa của dân tộc này được lưu truyền. Năm nay đã hơn 73 tuổi, từ ngày có cầu bắc qua sông Đà, già làng Hù Chà Khao chuyển hẳn nhà sang bên kia sông Đà. Ngày ngày, ông lại đi qua cầu vào bản truyền lại vốn liếng về văn hóa của mình cho con cháu.

Thiếu nữ dân tộc Si La. Ảnh Việt Hùng

Theo lời kể của già làng, trong đời sống tâm linh của người Si La thì nghi lễ quan trọng nhất là cúng năm mới, cúng bản cầu cho mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh và làm lý giải hạn để tránh những điều không may mắn. Đối với đời sống văn hóa tinh thần thì cây sáo là nhạc cụ đặc trưng không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người Si La. Tiếng sáo gọi bạn, tiếng sáo bay bổng trên suối, trên nương động viên tinh thần mọi người tích cực lao động sản xuất để đời sống ấm no hơn.

Người Si La xưa sống chủ yếu bằng nghề trồng nương, nhưng mấy chục năm trở lại đây họ đã biết trồng lúa nước. Trong hôn nhân, phong tục của người Si La thường làm lễ cưới 2 lần, lần cưới thứ hai sau lần trước một năm, nhà trai thường phải có một khoản tiền mới được đón cô dâu về. Người Si La có nhiều dòng họ,
rất coi trọng các thầy mo, hầu hết dòng họ thường kiêng ăn thịt mèo, trưởng các dòng họ thường là người già nhất và cũng là người đảm nhận việc tổ chức, sinh hoạt và thờ cúng.

Đối với trang phục, con trai ăn mặc đơn giản, nhưng con gái thì ăn mặc khá độc đáo, nét độc đáo của áo nữ là ở mảng ngực áo có màu khác với màu áo và gắn các đồng xu bạc hoặc nhôm. Phụ nữ người Si La thường đeo những cái túi được đan từ dây rừng, được trang trí bằng những sợi tơ chỉ đỏ...

Cuộc sống tinh thần của người dân Si La khá phong phú và đa dạng. Người Si La xưa thổi sáo, đánh đàn giỏi, có nhiều làn điệu dân ca riêng, họ có các nhạc cụ và nhiều làn điệu dân ca riêng của dân tộc mình, nhưng nay số người biết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hù Chà Khao còn lưu giữ hai cây sáo (một ngắn, một dài) do ông tự làm, cây sáo dài là cây sáo mà ngày xưa các cụ vẫn thường dùng để gọi nhau đi làm nương có tên là Pờ Tư Hế Lế. Ông bảo, ngày xưa đi làm nương, làm rẫy mỗi người làm ở một núi khác nhau, thường đi cùng một lúc và cùng chờ nhau về, người nào về trước thì chờ nhau ở ngã rẽ và thổi sáo để gọi những người khác. Cây sáo nhỏ hơn có tên là Là Bí, đây là nhạc cụ dùng để gọi bạn tình. Ngày con trai dân tộc Si La thường tỏ tình với bạn gái bằng tiếng sáo. Khi nghe tiếng sáo tâm sự của bạn tình, các cô gái sẽ cảm nhận tình cảm từ tiếng sáo của ai đó rồi đến, làm quen và yêu nhau.

Ngoài những nét văn hoá kể trên, ông Hù Chà Khao còn biết nhiều làn điệu dân ca của dân tộc mình như: Điệu Y La Thế (hát yêu, hát vui), ở làn điệu hát này lại có các làn điệu con như Ồ Xi Chê Y Là Thế (hát ăn Tết), Dề Mế Ỳ Thìa (hát ru con), điệu Lỳ Bồ Khe (hát lúc có tang, lúc buồn), Nhăm Nhăm Bơ (rủ nhau đi nương)...

Ông Hù Chà Khao còn là người thông thạo nhiều ngôn ngữ dân tộc khác, hầu hết 13 dân tộc sinh sống ở huyện Mường Tè ông đều nói thành thạo. Ông là một trong những già làng - nghệ nhân nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của huyện, tỉnh. Hội thi Ca múa nhạc các dân tộc tỉnh Lai Châu lần thứ nhất, năm 2008, ông được giải dành cho diễn viên cao tuổi nhất. Ông đã được Viện Âm nhạc tặng giấy khen vì đã có thành tích trong việc bảo tồn và gìn giữ âm nhạc dân gian của dân tộc Si La.

Người Si La không còn đói khổ nữa, già lại lo lắng làm sao cho các thế hệ con cháu gìn giữ và bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bởi vậy, bao nhiêu vốn liếng về văn hóa, già Khao truyền lại hết cho bà Hù Cố Xuân, để bà lại tiếp tục nhân ra khắp đám thanh niên trong bản...

 

Minh Khương (tổng hợp)