Facebook – phương tiện tiếp thị du lịch hiệu quả

Cập nhật: 06/11/2012
Nhớ lại khoảng 10 năm trước đây, viết nhật ký vẫn còn là thói quen của đa số bạn trẻ, kể cả ở thành thị và nông thôn nhưng hiện nay, nhật ký đã được "số hóa" với những trào lưu thay đổi không ngừng theo thời gian, hết blog rồi đến mạng xã hội, kênh video, từ Zing đến Google+ và Facebook, Youtube, trong đó Facebook đã trở thành "nhà", nơi chia sẻ tâm sự, chia sẻ của cá nhân cũng như kênh thông tin hữu ích của các công ty trong chiến dịch marketing hiện đại vì ít tốn kém nhất so với cách PR, quảng cáo truyền thống.
 

Tại hội thảo Mạng xã hội do Trung tâm Pháp - Việt tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2011 cho thấy, Việt Nam có tổng số trên 500.000 doanh nghiệp hoạt động tuy nhiên chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp - tương đương 5.000 doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội, forum là kênh tiếp thị đến khách hàng. Trong khi con số này tại các nước chiếm khoảng 54%, quả là con số đáng suy nghĩ về chính sách tiếp cận khách hàng trong thời đại công nghệ số đang bùng nổ và phát triển hàng ngày. Từ đó có người cho rằng doanh nghiệp Việt Nam lười đầu tư, không quan tâm hay cũng có thể là họ chưa thực sự cảm nhận sức nóng và lợi ích của kênh tiếp thị hiện đại, vô cùng "lợi hại" nhưng ít tốn kém nhất trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế chưa có dấu hiệu lấy lại sức trong cơn bạo bệnh của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và ở Việt Nam.

Khuynh hướng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam có hai nhóm khá rõ rệt, một là nhóm hướng mục tiêu thu hút fan bằng mọi cách nhằm thể hiện độ lớn của mình, thông qua các chiến dịch "LIKE" bằng cách sử dụng application hay games buộc người tham gia một cách miễn cưỡng nếu muốn thử xem "đó là trò gì", thế nhưng qua phân tích của các nhà quản trị marketing và mạng xã hội cho thấy đây là trò đùa với lửa đầy nguy hiểm, vì tiềm ẩn bên trong số lượng lớn fan ấy là những ngọn lửa có “mầm mống” đối lập, một ngày đẹp trời nào đó khi họ không còn "yêu" fanpage của doanh nghiệp, họ sẽ quay lưng bằng cách Unlike, tệ hơn là những entry và comment kích động những mối quan hệ liên đới nhằm “đốt cháy” doanh nghiệp. Khuynh hướng này rất khó xác định được fan trung thành và hiệu quả truyền tin của doanh nghiệp cũng không cao khi lứa tuổi được tính từ 13+. Trung tâm TravelPon hiện là một trong những công ty sở hữu Fanpages có số fan lớn nhất hiện nay với trên 82.290 fan.

Nhóm thứ hai lại không quan trọng hóa vấn đề gia tăng mạnh số lượng fan, điều đó không có nghĩa là không có bất kỳ chiến dịch thu hút fan, mà ngược lại họ lấy chiều sâu, xác định thế mạnh và khẳng định vị trí, ngành hàng của mình để tìm kiếm những fan thân thiết, những khách hàng tiềm năng có mối liên kết dày đặt thuộc phân khúc họ cần. Ở đây khách hàng trung thành rất cao, thể hiện qua thông tin phản hồi tích cực, đề nghị tư vấn hay giải đáp những nhu cầu gắn liền với những dự định trong kế hoạch tương lai của họ.

Trong ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam hiện nay, khi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, ngân sách dành cho truyền thông như câu đố đối với các doanh nghiệp. Kinh phí bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là vừa? Quả là không dễ trả lời nhưng chọn mạng xã hội hay khai thác tối đa công nghệ số để làm kênh giao tiếp đứng đầu phải kể đến Vietravel. Năm 2006, Vietravel tung ra mạng bán tour trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam www.travel.com.vn và một cuộc đua vô hình giữa các công ty lữ hành đã diễn ra, các trang web bán dưới dạng offline và online nối tiếp nhau ra đời nhưng chiếm vị trí số 1 vẫn là Vietravel với doanh số mang lại từ trực tuyến đạt ở mức 25%, từ nhiều thị trường trên thế giới. Trong đó Việt Nam chiếm khoảng 85%, Mỹ chiếm khoảng 8%, Australia chiếm 5%, còn lại là các nước khác trong khu vực châu Á và con số này đang có xu hướng tăng cao do sử dụng trực tuyến đang là xu thế chung kể cả Việt Nam. 

Vietravel hoàn toàn có cơ sở khi khẳng định mình là “nhà tiên phong” về công nghệ. Nối tiếp mạng travel.com.vn phiên bản dành cho máy tính, phiên bản dành cho smart phone đã ra đời ít lâu sau đó và lượng khách này cũng chiếm khoảng 30% lượng booking trực tuyến hay đơn giản là tra cứu thông tin du lịch của nhà tour có thương hiệu mạnh nhất Việt Nam.

Năm 2011, Vietravel đã đầu tư cho mạng xã hội và số fan hiện nay đạt mức trên 13.800 lượt, với thế mạnh về tour, Vietravel đã “hút” fan bằng cuộc thi “Thiết kế tour cùng Vietravel”. Cuộc thi đã chạm đúng nhu cầu của nhiều đối tượng, đa số là sinh viên, số lớn đang theo học ngành du lịch, một số lớn khác là những người đi du lịch nhiều như đi ăn sáng và một số nhỏ muốn thử sức trong vai trò của một nhà tổ chức, điều hành tour. Nhiều ý tưởng rất lạ, rất mới có dịp phô diễn trong số hơn 1.000 bài dự thi nhưng điều đọng lại của cuộc thi là cho các bạn cơ hội cọ sát và tự trau dồi từ kho kiến thức của cộng đồng và nhà tổ chức Vietravel vô cùng bổ ích để hiểu rằng khi thiết kế tour phải biết xây dựng một chuỗi liên hoàn các dịch vụ, thiếu một trong những mắt xích về ăn uống, lưu trú, điểm tham quan đã là thất bại, đó là chưa nói đến việc khớp dịch vụ, bố trí giờ giấc, tuyến đường sao cho hợp lý, không bắt khách “quay tới quay lui” trên một cung đường... Công ty Vietravel còn có kênh video khá lớn trên Youtube, chỉ cần gõ từ khóa “Vietravel”, du khách sẽ có nhiều thông tin tham khảo thú vị về động Thiên Đường, hình ảnh của các nước Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… Đó là chưa nói đến chiến lược “đón đầu” của doanh nghiệp này khi họ xác định rằng năm 2015 thị trường smart phone sẽ chiếm lĩnh thị trường và ít nhất ở thành thị mỗi người sẽ sở hữu một máy điện thoại di động, trong đó smart phone sẽ ở trong túi của mỗi người, vì vậy Vietravel đang phối hợp các đối tác viễn thông - truyền thông trong nước và Singapore chuẩn bị tung ra những ứng dụng mới trên nền các thiết bị sử dụng Adroid, iOS, Windows… để tối đa hóa các tiện ích giá trị gia tăng trên thiết bị di động dành cho khách hàng.   

Theo thống kê tại thời điểm tháng 4/2012 cho thấy, Facebook hiện là công cụ chia sẻ chiếm tỷ lệ người tham gia lớn nhất hiện nay tại Việt Nam với gần 3,5 triệu người sử dụng và xếp hàng thứ 43 trên thế giới. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ sớm tìm ra giải pháp ứng dụng mạng xã hội như công cụ giao tiếp, truyền thông mới giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh hay ít nhất cũng sẽ tạo cho mình “lực hấp dẫn” riêng, thể hiện dấu ấn doanh nghiệp trong không gian số. 

Nguyễn Minh Mẫn