Du lịch cộng đồng Lai Châu - Bước đầu đạt hiệu quả

Cập nhật: 05/01/2013
Đối với người dân Lai Châu, loại hình du lịch cộng đồng còn khá mới mẻ. Song, những năm gần đây việc triển khai thí điểm mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn các bản Vàng Pheo (Mường So- Phong Thổ), Bản Hon 1 và Bản Hon 2 (xã Bản Hon - huyện Tam Đường), bản Nà Luồng (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường)…bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân địa phương về phương thức làm du lịch ngay tại gia đình, bản làng mình.

Bản Nà Luồng - một trong những bản du lịch cộng đồng đã được công nhận

Ông Tao Văn Điếng, Trưởng bản Nà Luồng (Tam Đường) chia sẻ: “Ban đầu, nghe đến việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, bà con nhân dân còn bỡ ngỡ, người mừng người lo. Mừng vì sẽ có cơ hội để tăng thêm thu nhập, còn lo vì chưa bao giờ biết làm du lịch là thế nào và không biết có làm ảnh hưởng đến nếp sống quen thuộc không? Thế nhưng, được sự giúp đỡ của các cán bộ Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch của tỉnh cùng cán bộ phòng VHTT huyện, chúng tôi từng bước trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch: từ việc tổ chức đón tiếp, giới thiệu, quảng bá với du khách về các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc sắc của quê hương, bản làng mình cho đến quá trình sản xuất, chế biến ra các sản phẩm du lịch, bán hàng lưu niệm... Không chỉ vậy, bà con còn được tham gia các khóa học hướng dẫn viên, nấu ăn, biểu diễn văn nghệ, lễ tân tại các bản trong tỉnh hay tham quan mô hình của các tỉnh bạn để làm quen với du lịch cộng đồng. Qua đó, người dân trong bản đã ý thức được nguồn lợi du lịch đem lại từ việc duy trì nếp sống hàng ngày, gìn giữ bản sắc văn hóa và tạo lập lòng tin, yêu mến đối với du khách”.
Cô Lò Thị Đối, tổ trưởng tổ nấu ăn của bản Vàng Pheo (Phong Thổ) tâm sự: “Lợi thế là dân bản địa nên mình hiểu tường tận về phong tục tập quán, nét văn hóa trong sinh hoạt và đời sống của người Thái tại bản để giới thiệu đầy đủ, chi tiết tới du khách khi đến thăm bản. Mình cũng có thể giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc liên quan đến các di tích lịch sử, các câu chuyện về bản làng nên du khách rất thích. Sau mỗi lần thuyết minh, giới thiệu với du khách như thế, mình lại có điều kiện được học hỏi, trau dồi vốn kiến thức và rèn luyện tính tự tin trong giao tiếp, ứng xử”.
Rõ ràng, lợi ích của du lịch cộng đồng mang lại rất lớn. Nó không cần đầu tư quá nhiều kinh phí, lại giúp cộng đồng dân cư ở các địa phương có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần, đồng thời vẫn gìn giữ, bảo tồn được các giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường và phục vụ nhu cầu khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu) khẳng định: Việc các bản có tiềm năng phát triển du lịch đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đến tham quan và nghỉ qua đêm tại bản đồng thời tăng cường khả năng thu hút đầu tư vào các điểm bản. Nếu mô hình này phát triển và được nhân rộng sẽ góp phần khai thác, phát huy tốt những tiềm năng du lịch còn đang “tiềm ẩn” trên địa bàn tỉnh hiện nay, góp phần cải thiện đời sống kinh tế tại địa phương và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, du lịch cộng đồng được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch của tỉnh nhà./.
Lê Tranh