Phát triển Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch

Cập nhật: 05/01/2013
Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những nhân tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và là biện pháp quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả.

Tỉnh Lai Châu đang được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến với những thắng cảnh đẹp và văn hóa tộc người độc đáo. Các dân tộc Lai Châu có nhiều nghề thủ công truyền thống vẫn được lưu giữ, những sản phẩm thủ công này rất dễ để trở thành một món hàng lưu niệm với khách du lịch. Vừa qua trong khuôn khổ hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2102, tỉnh Lai Châu đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu hàng lưu niệm và quà tặng du lịch Lai Châu”. Theo đó, sản phẩm tham gia phải mang tính đặc thù riêng, phản ánh nét đặc trưng đồng thời phải đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ và tính ứng dụng cao. Các sản phẩm đạt giải cấp tỉnh được gửi tham gia vòng chung kết cấp khu vực tại Sa Pa - Lào Cai. Một tín hiệu mừng là một số sản phẩm dự thi của Lai Châu được đánh giá cao và được nhiều du khách yêu thích. Tuy nhiên các mẫu sản phẩm gửi tham dự cuộc thi này rất ít, chưa phong phú và chưa thể hiện được hết những nét đặc trưng của tỉnh. Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch cho biết “Hiện nay Lai Châu đang rất “nghèo” sản phẩm lưu niệm. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các nghệ nhân hãy tham gia thiết kế và sản xuất các mặt hàng lưu niệm, vừa tạo dấu ấn riêng cho doanh nghiệp mình, tăng doanh thu và quan trọng hơn hết là góp phần vào quảng bá du lịch cho Lai Châu”. 
Trên cơ sở những nghề thủ công truyền thống hiện có, để những sản phẩm này trở thành sản phẩm lưu niệm cần có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý. Trước hết, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề, duy trì và truyền dạy nghề. Bên cạnh đó, hiện nay mô hình hợp tác xã thủ công đang rất hiệu quả trong việc phục dựng nghề và quảng bá sản phẩm. Tỉnh cần quy hoạch, khuyến khích hình thành các hợp tác xã với nhiều ngành nghề như: thổ cẩm, đan lát, nghề làm bánh, nấu rượu…; Hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách du lịch; Khuyến khích sản xuất đối với các sản phẩm lưu niệm, đặc sản phục vụ du lịch sử dụng nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường hoặc sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương; 
Giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần tăng cường liên kết trong khâu giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm. Để đảm bảo đầu ra về lâu dài cho sản phẩm, những chiến lược quảng bá rộng rãi đến tận tay khách du lịch phải được chú trọng. Cần xây dựng các trung tâm, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, từ đó tạo thành các đầu mối tập trung và tiêu thụ. Các sản phẩm lưu niệm đặc trưng được hỗ trợ đăng ký sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ tham gia các hội chợ Du lịch, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề… Ngoài ra, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần được miễn phí giới thiệu sản phẩm trên các ấn phẩm, quảng bá du lịch của tỉnh như: bản tin du lịch, tập gấp, bản đồ, sách hướng dẫn du lịch và website du lịch Lai Châu, website du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tỉnh nên lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, độc đáo, đặc trưng để trở thành những món quà ngoại giao cho khách khi đến thăm Lai Châu.
Việc nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch cho Lai Châu không chỉ là một bài toán kinh tế mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch cho một điểm đến còn nhiều mới mẻ như Lai Châu./. 
Duy Uyên