Liên kết thúc đẩy công tác tuyên truyền quảng bá du lịch ở địa phương

Cập nhật: 20/05/2013
(TITC) - Phải khẳng định rằng đằng sau những kết quả của ngành du lịch, có sự đóng góp lớn của công tác xúc tiến du lịch (XTDL), trong đó tuyên truyền quảng bá (TTQB) giữ vai trò rất quan trọng.


 


Trong những năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng gia tăng; trong nước khách du lịch nội địa ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, số khách quốc tế đến nước ta chưa phải là nhiều, chưa tương xứng với những tài nguyên ta đang có. Năm 2012, Việt Nam đón 6,8 triệu khách, nhưng vẫn thua kém nhiều so với các nước trong khu vực. Để thu hút được khách nhiều hơn nữa, cũng cần nhìn nhận và đánh giá công tác tuyên truyền quảng bá từ các cấp, đặc biệt ở nhiều  địa phương, từ đó có những định hướng đầu tư bài bản, tập trung và đồng bộ hơn, thể hiện tính chuyên nghiệp.

Hoạt động TTQB ở các tỉnh, thành

Có thể thấy rõ công tác xúc tiến du lịch đang được đặt thành một nhiệm vụ quan trọng khi hầu hết 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều thành lập cơ quan có trách nhiệm về hoạt động xúc tiến du lịch cho địa phương mình, nhằm thực hiện xúc tiến du lịch một cách chuyên nghiệp và tập trung hơn. Cùng với hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch ở cấp quốc gia, hoạt động này ở từng địa phương không kém phần quan trọng.

Tuy vậy, hoạt động xúc tiến của nhiều trung tâm xúc tiến của các địa phương chưa thật sự hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan quản lý du lịch của địa phương là làm thế nào để tăng cường vai trò, tăng cường hiệu quả hoạt động của các trung tâm này.

Các trung tâm chịu trách nhiệm về công tác xúc tiến du lịch ở các tỉnh, thành phố đều mới được thành lập hoặc tái thành lập trong vài năm gần đây. Qua khảo sát thu thập thông tin của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), tính đến tháng 12/2012, có 58 trên 63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm có chức năng xúc tiến du lịch; đa số trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTTDL (43; 68,3%), một số thuộc UBND tỉnh (14; 22,2%, hoặc sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh (1; 1,6%); có 1 tỉnh đang có kế hoạch thành lập. Các trung tâm xúc tiến du lịch trực thuộc Sở VHTTDL hầu như mới được thành lập sau khi sáp nhập thành Bộ VHTTDL ở trung ương và Sở VHTTDL ở các địa phương (sau tháng 12/2007).

Do nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch và công tácXTDL khác nhau, tuỳ thuộc hoàn cảnh của từng địa phương, quy mô của đơn vị thực hiện chức năng quảng bá xúc tiến ở các địa phương cũng rất khác nhau. Các trung tâm xúc tiến có cơ cấu tổ chức khác nhau, không có một mô hình thống nhất trong toàn quốc. Nhưng nhìn chung, các trung tâm trực thuộc Sở VHTTDL có bộ phận xúc tiến, bộ phận thông tin, dịch vụ, bộ phận hành chính – tổng hợp, một vài trung tâm có bộ phận tư vấn. Một số trung tâm không phân thành bộ phận chức năng mà Ban giám đốc điều hành dưới hình thức các nhóm hoạt động theo mảng công việc. Các trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động mới được vài năm, đã triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch nói chung và TTQB du lịch nói riêng cho địa phương, như:

- Xây dựng, duy trì website về du lịch của địa phương, chủ yếu là tiếng Việt, tiếng Anh. 

- Xây dựng và phát hành một số ấn phẩm (hướng dẫn du lịch, tập gấp du lịch, bản đồ du lịch,...). Một số trung tâm xuất bản bản tin du lịch định kỳ theo tháng/quý;

- Tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch, hội nghị, hội thảo, khảo sát tour, tuyến, điểm du lịch trong tỉnh và các địa phương khác...

- Liên kết với nhiều đối tác để TTQB du lịch như: các trung tâm XTDL của các địa phương khác, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp lữ hành,...

Thực tế hiện nay, hoạt động của các trung tâm XTDL ở các địa phương bị phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Sở VHTTDL. Công tác XTDL ở một số địa phương nói chung và các trung tâm XTDL nói riêng thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu là tự nghiên cứu, tự làm và học tập rút kinh nghiệm. Công tác nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch ở nhiều trung tâm còn rất yếu, hầu như chưa có.

Điểm mạnh

Các hoạt động xúc tiến du lịch, trong đó có TTQB du lịch được thực hiện ngày càng mạnh, kết hợp được nhiều hình thức và phương tiện để truyền tải TTQB về du lịch đến các đối tượng như khách du lịch tiềm năng, các hãng lữ hành, hãng thông tấn báo chí,...

Với sự hỗ trợ của công nghệ, thông tin được truyền tải nhanh chóng tới người sử dụng khai thác; hình thức mỹ thuật được cải tiến hơn, nội dung thông tin phong phú hơn; ngày càng có điều kiện đa dạng hóa các sản phẩm thông tin TTQB du lịch;

Đẩy mạnh liên kết trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tạo thêm sức mạnh mới, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch và thúc đẩy sự tham gia các hoạt động du lịch cho du khách, là cơ sở có thể kéo dài thời gian du lịch, tăng chi tiêu của khách,...

Những hạn chế và nguyên nhân

Một bộ phận trong đội ngũ cán bộ tham gia trực tiếp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn thiếu kinh nghiệm, chưa chuyên nghiệp. Đội ngũ nhân lực làm việc trong các TTXT chủ yếu được điều động từ các phòng chức năng khác hoặc từ các bộ phận của các sở, ban, ngành ở địa phương. Dù yêu nghề, nhiệt tình công việc, nhưng phần lớn có trình độ nghiệp vụ xúc tiến còn yếu, chưa qua đào tạo chuyên sâu, phần lớn vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm.

Sản phẩm thông tin TTQB thiếu nhiều ngôn ngữ nước ngoài, kể cả phục vụ cho một số thị trường trọng điểm của ngành Du lịch, mới tập trung cho tiếng Việt, tiếng Anh; cơ quan trung ương và một số địa phương mới có thêm một số sản phẩm thông tin tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Trung,...

Quầy cung cấp thông tin du lịch còn rất ít; một số địa phương lắp đặt các ki-ốt thông tin điện tử về du lịch, nhưng việc nâng cấp, bảo trì chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng bị xuống cấp.

Thông tin du lịch chưa thật đa dạng và chi tiết, đặc biệt chưa có thông tin chi tiết về bản đồ du lịch. Thông tin du khách nhận được so với thực tế còn thiếu sự sát thực, bởi nhiều thông tin du khách không biết trước so với thực tế.

Nhận thức của xã hội bao gồm cả những người quản lý, chưa đánh giá đúng vai trò của xúc tiến du lịch; cách đánh giá hiệu quả xã hội và kinh tế của xúc tiến du lịch còn lệch lạc, coi xã hội "tự biết" nên không cần thực hiện TTQB; về hiệu quả kinh tế, chưa nhìn thấy được sự cần thiết của xúc tiến và lợi ích gia tăng nếu xúc tiến du lịch được đầu tư thỏa đáng.

Các trung tâm tuy có thuận lợi là có con dấu, tài khoản và hoạt động tự cân đối thu chi nhưng thực tế chưa huy động được nhiều nguồn kinh phí khác ngoài ngân sách nhà nước.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy công tác TTQB đối với các TTXTDL

Xây dựng các kế hoạch, chương trình xúc tiến quảng bá

-  Các Trung tâm XTDL cần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình xúc tiến quảng bá cho một giai đoạn phát triển (2012-2015, đến 2020) và cụ thể hàng năm trên cơ sở bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kế hoạch phát triển du lịch của địa phương, và có sự thống nhất gắn kết với hoạt động XTDL của quốc gia. Các hoạt động của Trung tâm XTDL cần có sự gắn kết chặt chẽ trong các hoạt động của Sở VHTTDL địa phương và UBND tỉnh, đảm bảo các hoạt động được thống nhất từ các cấp, các ngành.

-  Trong xây dựng kế hoạch hoạt động, cần xác định rõ mục tiêu của từng hoạt động TTQB, với kinh phí được đầu tư cụ thể để lập nội dung triển khai, và tổ chức có hiệu quả. Kết thúc mỗi hoạt động, cần có các đánh giá hiệu quả làm cơ sở và bài học kinh nghiệm cho thực hiện các hoạt động khác.

-  Luôn vận dụng nguyên tắc của TTQB trong xây dựng sản phẩm xúc tiến du lịch, đó là tính chọn lọc, tính chân thực của thông tin, độc đáo và tạo ấn tượng, nội dung thông tin ngắn gọn, súc tích, tính thực tiễn, tạo ra những điều mới lạ, tính liên tục, và tính kinh tế.

-  Do du lịch là ngành kinh tế có đặc điểm chịu tác động rất nhanh của môi trường tự nhiên, xã hội và cũng có khả năng phục hồi nhanh chóng, do đó tùy theo tình hình của thị trường, nên có tính sẵn sàng cho việc xây dựng các chương trình, chiến dịch xúc tiến du lịch mang tính thời điểm để góp phần thu hút khách, ổn định sự phát triển.

Thực hiện xúc tiến quảng bá hỗn hợp

Với thị trường rộng lớn xét trên toàn cầu, với sự đa dạng của các thị trường khách du lịch, các Trung tâm cần kết hợp nhiều cách thức quảng bá du lịch thông qua các phương tiện và hình thức quảng bá khác nhau. Cần có nghiên cứu kỹ thị trường để chọn hình thức và nội dung quảng bá phù hợp.

Bám sát với chiến lược/quy hoạch du lịch của địa phương, tập trung cho các thị trường được xác định, quảng bá sát với sản phẩm du lịch, và chú trọng với việc tạo dựng thương hiệu du lịch cho địa phương. Các hình thức vẫn được duy trì như thông qua kênh thông tin đại chúng, ấn phẩm, hội chợ du lịch, hội nghị, tổ chức khảo sát du lịch, famtrip/presstrip, và đặc biệt chú trọng TTQB qua internet, website, tham gia các trang mạng xã hội, bởi đây sẽ là kênh cung cấp thông tin thường xuyên và liên tục, mức độ phổ biến nhanh, rộng, và ít tốn kém.

Các sản phẩm thông tin cho TTQB cần được đa dạng, có các ngôn ngữ phù hợp với thị trường, đảm bảo nội dung thông tin chi tiết tùy theo mức độ hướng dẫn du lịch tổng thể, chi tiết, hoặc theo du lịch chuyên đề, sản phẩm đặc trưng của địa phương; đầu tư xây dựng, hoàn thiện các website, ấn phẩm in, ấn phẩm điện tử về du lịch.

Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong TTQB du lịch để tăng tính hấp dẫn và sức lan tỏa của thông tin, có thể giảm chi phí, phù hợp với xu thế của thời đại, khi mà các thiết bị điện tử đang chi phối rất nhiều tới đời sống, tác phong làm việc của nhiều người.

Liên kết trong TTQB du lịch

Cần phối hợp chặt chẽ với phòng quản lý nghiệp vụ du lịch của địa phương, dưới sự chỉ đạo quản lý trực tiếp là Sở VHTTDL.

Phối hợp với các ban, ngành khác của địa phương, hiệp hội Du lịch địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt với các doanh nghiệp lữ hành ở các tỉnh, thành phố là trung tâm phân phối khách như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... Các thành phố này vừa là cầu nối đón nhận luồng khách quốc tế (chủ yếu qua đường hàng không, Đà Nẵng và TP. HCM có cả dòng khách đến bằng đường biển). Đồng thời khách du lịch nội địa từ các địa phương này đi du lịch chiếm tỷ lệ lớn trong cả nước, bởi các đô thị này có mức sống trung bình cao hơn, và người dân có nhu cầu cao về du lịch, nhất là du lịch cuối tuần, du lịch gia đình...

Cần hợp tác với các đơn vị trực thuộc TCDL (Vụ Thị trường du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch,…) và các Trung tâm xúc tiến du lịch các địa phương khác trong việc TTQB du lịch. Như vậy một mặt sẽ tăng cường được sức lan tỏa của thông tin và có thể tiết kiệm được kinh phí.

Bên cạnh đó, tùy thuộc điều kiện một số địa phương (theo hướng lựa chọn thị trường, hay có đặc điểm là tỉnh biên giới...), cần hợp tác với cả các địa phương của nước láng giềng để xúc tiến quảng bá và thu hút khách du lịch giữa hai bên và từ nước thứ ba.

Xây dựng các cơ sở dữ liệu

Để có hoạt động xúc tiến thật tốt và có hiệu quả, cần thiết phải dựa trên một cơ sở dữ liệu thông tin có chất lượng, đầy đủ, chi tiết, chính xác. Ở đây, cần xác định rõ những thông tin như thế nào sẽ có lợi và có ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến du lịch.

Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, có cấu trúc rõ ràng sẽ phục vụ lưu giữ, khai thác sử dụng thông tin một cách thuận lợi cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm các cán bộ làm xúc tiến, các đơn vị kinh doanh, các nhà đầu tư, các du khách; phục vụ cho công tác quản lý ở địa phương, thuận lợi cho việc cung cấp thông tin và tư vấn du lịch.

Chú trọng yếu tố con người và bộ máy tổ chức

Yếu tố con người luôn là vấn đề then chốt để giải quyết mọi nhiệm vụ. Cùng với việc sắp xếp bộ máy tổ chức hợp lý sẽ đảm bảo triển khai công việc nhanh gọn và hiệu quả. Các trung tâm XTDL ở các địa phương cơ bản đều còn non trẻ, hầu như mới được thành lập vài năm, đội ngũ nhân lực còn khá mỏng. Do đó, tổ chức bộ máy cần được cơ cấu đảm bảo có các bộ phận có chức năng về xúc tiến, thông tin, nghiên cứu thị trường. Từ đó, cần tuyển chọn và đào tạo đội ngũ nhân lực tương ứng và phù hợp, cần tiến hành đào tạo bồi dưỡng cho một số cán bộ làm việc lâu dài, tuyển dụng mới, kết hợp thêm hình thức cộng tác viên.

Mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý du lịch ở trung ương và các cơ sở đào tạo nâng cao trong và ngoài nước để cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về du lịch, bồi dưỡng về nghiệp vụ xúc tiến du lịch, và cả ngoại ngữ, đặc biệt các thứ tiếng tương ứng với thị trường du lịch mục tiêu của địa phương.

*

*    *

TTQB là hoạt động cần thiết và quan trọng trong xúc tiến du lịch, được nhìn nhận là một việc đầu tư dài hạnnhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch tiềm năng, tăng số lượng khách quay trở lại với một điểm đến, kích thích chi tiêu của du khách, góp phần thu hút đầu tư du lịch. Để thúc đẩy phát triển du lịch trên phạm vi quốc gia và ở các địa phương, cùng với hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia, hoạt động này ở các địa phương cũng cần được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, hợp thành một sức mạnh thống nhất, đem lại hiệu quả cho ngành Du lịch. 

 

Thái Hà

Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013