Ta Gia là một xã phía nam của huyện Than Uyên, cách trung tâm huyện 22km. Nằm bên dòng sông Nậm Mu, Ta Gia là một trong những nơi cư trú lâu đời cuả bà con dân tộc Thái khu vực Tây Bắc. Là thung lũng nằm giữa những dãy núi đá vôi, cao trên mực nước biển khoảng 600 đến 650m, Ta Gia thực sự là một địa điểm giàu giá trị du lịch văn hóa - không chỉ bởi vẻ đẹp của văn hóa Thái mà còn thu hút bởi vẻ đẹp bí ẩn của hệ thống hang động nơi đây.
Trong
địa phận xã Ta Gia có hai khu vực có hang động, đó là khu vực Bản Mè và Bản
Củng. Những hang này nằm trong vùng núi đá vôi được hình thành cùng với quá trình kiến tạo địa chất. Bà con nơi
đây đã kể lại nhiều truyền thuyết về các hang động, nhất là hang bản Mè.
Từ
trung tâm xã Ta Gia đến hang bản Mè khoảng 2,5km, qua cầu treo đến bản Gia rồi
sang bản Mè. Từ giữa bản Mè đi vào trong núi, qua mấy thửa ruộng nhỏ thì thấy
một dãy núi cao hiện ra trước mặt. Đến trước ngọn núi cao nhất thấy một dòng suối trong vắt chảy ra thì đó
chính là cửa hang lớn. Phía trái là hang khô, còn phía phải là hang Tiên. Hang
chính là hang bản Mè vốn là một hang nước, bởi có một dòng suối chảy trong lòng
hang. Cửa hang rộng chừng 2,5m. Muốn vào hang phải xắn quần cao lên, lội chân
trần xuống nước để bước lên và cảm nhận những hòn cuội tròn nhẵn dưới dòng nước
mát. Hang bản Mè sẽ đón chúng ta ngay từ cửa hang với những ngách đá, bậc đá
cao, leo vài bước là đã có thể đặt tay lên nhũ đá để chụp ảnh. Đi sâu vào vài
mét nữa là tối, phải dùng đèn pin. Dọc đường vào trong hang du khách có thể cảm
nhận không khí mát lạnh tỏa ra từ vách hang, từ những giọt nước trong vắt trên
những nhũ đá rơi xuống. Đi chừng khoảng 20m lia đèn pin là du khách có thể bất
ngờ với diện tích lòng hang mở rộng, chỗ hẹp nhất cũng đến 2m, chỗ rộng có thể
tới 20-30m. Vòm hang chỗ thấp chỉ chừng
gần 2m, chỗ cao nhất có thể đến 4- 4,5m. Có chỗ rộng đến mức có thể đặt cả một
sân bóng chuyền. Những cột đá lớn nhỏ từ dưới đất mọc lên và nhũ đá từ trên vòm
hang rủ xuống lấp lánh ánh kim khiến ai cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp tạo nên
từ bàn tay cuả tạo hóa. Nhũ đá rủ xuống tua tủa như những mũi tên nhọn hoắt lấp
lánh, soi đèn pin vào là có thể tưởng
tượng ra một cung điện nguy nga của những nàng tiên trong cổ tích lẽ nào đã thực
sự xuất hiện ở nơi này. Trong hang nhũ đá có rất nhiều hình thù khác nhau, cột
đá, bàn đá, hình người cúi lom khom, hình bụi cỏ, hình đóa sen rủ…khiến du khách có thể đi từ ngạc
nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lội trong dòng suối khoảng 400-500m thì sang đến
cửa hang bên kia. Cửa hang phía sau là một cửa lớn, đón ánh sáng vào lòng hang.
Chỗ cao nhất lên đến 10m, rộng chừng trên 20m, đi từ cửa hang đó lên đến các
ngách hang khác cũng không quá xa, chỉ vài chục mét, leo lên cao qua những bậc
đá rêu phong rất trơn là đến những khoảng rộng khác trong hang. Phía bên trái
là ngách hang thấp, nhũ đá rủ thấp, có thể đưa tay ra là sờ vào được. Ngách
hang bên phía phải có những tảng đá lớn xanh màu rêu phủ, những khe nhỏ thấp
dưới đáy hang có nhiều hòn cuội tròn nhẵn, dấu tích của thời kì những khe này
còn có nước. Những loài dây leo, những cây hoa rừng nhỏ xíu, bé li ti mọc trên
đá với những màu sắc rực rỡ cũng khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ
duyên dáng mộc mạc như nét hồn nhiên e ấp của cô gái miền sơn cước. Nếu mang
theo xôi nếp, cơm lam với lạc rang, thịt nướng mà vào hang ngồi trên những tảng
đá cao mà thưởng thức thì quả là bạn đã có một buổi picnic tuyệt vời.
Quay
ra ngoài cửa trước, đi lên phía trên bên trái khoảng 30m là hang khô. Cửa hang
khô rất rộng, chừng hơn 20m, nhưng đi sâu vào trong khoảng 10m thì cửa hang thu
hẹp lại, nhỏ như một đường ống mà chỉ một người có thể khom người lách qua từng
chút một, theo nhân dân địa phương chỉ đường thì cứ theo đường này có thể lên
đến tận đỉnh núi. Vào đây phải dùng nến mới đi được, còn dùng đèn pin thì chỉ
thấy mờ mờ, không rõ đường. Qua một vài đoạn đường hang nhỏ thì đến những chỗ
hang rộng đến 2-3m, người có thể đứng thẳng lên được, ở đó có rất nhiều nhũ đá
đẹp hơn bên hang nước. Những cột đá hình ngọn măng mọc từ dưới đất lên, những
nhũ đá rủ xuống lấp lánh, có cột đá nối liền nền hang và vòm hang to một vòng
tay ôm không xuể.
Phía
bên phải hang nước, cách chừng 50m là hang Tiên. Hang Tiên là hang mà bà con đã
thêu dệt rất nhiều truyền thuyết, đặc biệt là câu chuyện tình yêu cuả đôi trai
gái đẹp. Cửa hang tiên nhỏ, chỉ rộng chừng gần 1m. Muốn vào hang phải dùng nến
vì dùng đèn pin thì soi không rõ đường. Trong hang hiện giờ còn một đôi cột đá
hình đôi vợ chồng yêu thương nhau. Hang rất đẹp, nhiều nhũ đá lấp lánh nhưng ít
người dám vào vì sợ bị bắt ở lại. Truyền thuyết kể lại rằng, đôi trai gái yêu
thương nhau nhưng không được gia đình đồng ý, họ theo nhau vào hang núi, các vị
tiên trên trời cảm động trước tình yêu của họ đã hóa đá đôi tình nhân để họ đời
đời sống mãi bên nhau. Người Thái ở đây cho rằng trong hang có tiên nam và tiên
nữ, nếu ai vào thăm hang mà không thành kính thì là phụ nữ sẽ bị tiên nam bắt,
còn là đàn ông sẽ bị tiên nữ bắt để lại hồn trong hang. Ai vào hang với tấm lòng thành kính thì sẽ gặp may mắn,
được tiên phù hộ. Chính vì truyền thuyết đó mà hang Tiên đến giờ vẫn còn giữ
được hầu như nguyên vẹn mọi nhũ đá với những vẻ đẹp kì diệu …
Suốt
dọc miền Tây Bắc, đi đâu du khách cũng gặp suối, hoa và núi rừng. Nhưng để
thưởng thức một quần thể hang động đẹp giữa rừng núi trong lành thoảng hương
hoa thơm mát, tiếng chim hót véo von và tiếng suối róc rách, hẳn rằng bạn có
thể suy nghĩ và lựa chọn quần thể hang bản Mè là điểm đến trong những ngày nghỉ
cuối tuần. Đến nơi đây, bạn hãy đắm mình giữa thiên nhiên mát mẻ, suy ngẫm đến
chuyện tình cuả đôi trai gái nọ…để yêu thương, trân trọng thêm cuộc sống quanh
mình.
|
Than Uyên, 6/2013
Đinh Hồng Nhung
Khu 10, thị trấn Than Uyên, Lai Châu.
|