MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ HOMESTAY

Cập nhật: 14/12/2013
Dịch vụ homestay đang ngày càng trở nên thân quen và phổ biến đối với những người làm du lịch cũng như đối với mỗi du khách. Homestay là một trong những dịch vụ chủ đạo của loại hình du lịch cộng đồng. Đây là dịch vụ du lịch đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội đảm bảo các yếu tố về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa.


Homestay là dịch vụ du lịch mà khách du lịch lưu trú và sinh hoạt cùng với gia đình người địa phương như một thành viên trong gia đình để được trải nghiệm cuộc sống cùng với các giá trị văn hóa của người dân địa phương. Do vậy, homestay là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, thuyết minh, hướng dẫn, trải nghiệm, v.v... và mỗi hộ gia đình chính là một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch. Chỉ khi nào du khách thực sự hoà vào cuộc sống bản địa từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới có được những hiểu biết và trải nghiệm một cách tự nhiên và sâu sắc.
Với sự nỗ lực của ngành du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 04 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 3 điểm là Bản Hon, Vàng Pheo và Nà Luồng được xác định sẽ chú trọng phát triển dịch vụ homestay. Mặc dù vậy, việc phát triển dịch vụ homestay ở các điểm du lịch cộng này còn đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế với những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Các sản phẩm dịch vụ còn khá nghèo nàn, đơn điệu. Kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch của bà con ở các bản du lịch cộng đồng còn thiếu tính chuyên nghiệp. Mô hình quản lý các hoạt động du lịch của các bản vẫn chưa được định hình. Cơ chế quản lý đối với du khách quốc tế còn chưa thực sự thuận lợi. Vai trò của chính quyền cơ sở và các đoàn thể trong việc phát triển du lịch chưa thực sự rõ nét. Với tất cả những yếu tố đó đã dẫn tới lượng khách du lịch đến với các bản du lịch còn hạn chế, chưa thường xuyên và chưa ổn định.
Vấn đề khó khăn nhất đối với các hộ gia đình là nguồn khách, bởi đặc thù của dịch vụ homestay là các hộ gia đều là đồng bào các dân tộc, họ chưa thể tiếp cận được với các hoạt động marketing hay chủ động tìm kiếm nguồn khách. Do vậy, việc cung cấp nguồn khách hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các công ty lữ hành. Còn việc xúc tiến quảng bá, kết nối các hộ gia đình với các công ty lữ hành hiện nay đang phục thuộc chủ yếu vào các cơ quan chuyên môn của địa phương .Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lai Châu hiên đang là đơn vị tích cực đứng ra đảm nhận nhiệm vụ đó. Trong thời gian tới, Trung tâm  Thông tin và Xúc tiến du lịch cần tập trung ưu tiên cho việc quảng bá về du lịch cộng đồng và dịch vụ homestay, giới thiệu quảng bá chi tiết cho từng hộ gia đình. 
Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ như hàng lưu niệm, biểu diễn văn nghệ, các dịch vụ trải nghiệm cần phát huy vai trò của chính quyền địa bên cạnh sự hỗ trợ của của các ban, ngành, tổ chức khác. Chính quyền cơ sở đứng ra thành lập các tổ, đội sản xuất hàng lưu niệm, các đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch. 
Các cơ quan chuyên môn tư vấn cho chính quyền cơ sở để sớm hình thành được mô hình quản lý của bản du lịch cộng đồng như việc thành lập ban quản lý, quy chế hoạt động, quy định về thu phí và sử dụng nguồn thu v.v…
Các cơ quan chuyên môn, các tổ chức cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cũng như kỹ năng phục vụ khách du lịch cho các hộ gia đình. Đối với loại dịch vụ này cơ sở vật chất không phải vấn đề quá lớn bởi du khách chọn dịch vụ homestay tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu. Quan trọng nhất chính là chủ nhà. Làm thế nào để người chủ nhà nhận thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội. Việc lựa chọn hộ gia đình làm dịch vụ homestay dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng phải chọn lọc. Dịch vụ homestay có sự tác động rất mạnh đến hình ảnh tổng thể của một điểm đến nên người làm dịch vụ này không chỉ có kiến thức về du lịch mà còn phải có phẩm chất tốt, tầm nhìn xa và phải biết vì lợi ích của cả cộng đồng. Họ phải có kỹ năng giao tiếp với khách, có khả năng nắm bắt tâm lý của  khách, tạo sự thoải mái cho khách, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa để giới thiệu cho khách… Do vậy, việc đào tạo bồi dưỡng kỹ năng làm dịch vụ homestay cho các hộ gia đình phải thường xuyên, liên lục kể cả khi dịch vụ đã đi vào hoạt động.
Trong việc phát triển dịch vụ homestay, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà” bao gồm nhà dân, nhà nước và nhà doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước giữa  vai  trò  trung  gian  kết  nối  giữa  các  hộ  gia đình cung ứng dịch vụ homestay với các công ty du  lịch.  Ngành  du  lịch  cần  thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa 3 bên để tăng cường mối liên kết hỗ trợ, tạo sự đồng thuận giữa hộ cung ứng dịch vụ du lịch với công ty du lịch; cần phối hợp chặt chẽ với công ty du lịch nhằm tăng cường sự hỗ trợ cho hoạt động tổ chức du lịch của hộ gia đình nói riêng và ngành du lịch địa phương nói chung; phối hợp chặt chẽ với các hộ tham gia tổ chức du lịch homestay để kịp thời  hỗ trợ khi cần  thiết, đồng thời cần nghiên cứu, rà soát quy hoạch để xây dựng chiến lược phát triển loại hình du lịch homestay trong dài hạn.
Các cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành quy chế quản lý khách du lịch trên địa bàn để quản lý khách du lịch một cách chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu về an ninh chính trị quốc phòng nhưng cũng không gây phiền hà cho khách bởi các thủ tục hành chính rườm rà. Có các chế tài xử lý nghiêm để ngăn ngừa đối với các hành vi sách nhiễu, xâm phạm tới quyền tự do cá nhân khi đi du lịch của khách để xây dựng hình ảnh du lịch Lai Châu là điểm đến an toàn thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước.
Việc phát triển dịch vụ homestay là một hướng đi đúng đắn cho du lịch Lai Châu. Tuy nhiên với những khó khăn, thách thức trước mắt, công việc này cần có sự chung tay giải quyết của cơ quan chuyên môn, các công ty lữ hành và của cả cộng  đồng tổ chức dịch vụ du lịch nhằm đưa loại  hình dịch vụ du lịch này ngày càng phát triển góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương./.

Hoàng Văn Trọng
Cập nhật ngày 12/12/2013