DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM

Cập nhật: 07/01/2015
Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận quản lý du lịch, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới các điểm đến. Bản chất của loại hình du lịch này chứa đựng những đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên nó mang tính phổ quát, định hướng cao hơn, thậm chí điều chỉnh tất cả các loại hình du lịch khác nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa ngành du lịch, đem lại bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch; đồng thời góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng một môi trường lành mạnh.

Trải qua quá trình phát triển, các quốc gia đều bắt đầu hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó có phát triển du lịch bền vững. Du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững có sự tương đồng về khái niệm và mục tiêu. Khái niệm du lịch bền vững ra đời từ năm 1992, tuy nhiên đối tượng và phương pháp thực hiện như thế nào vẫn là vấn đề luôn được đặt ra. Trước nhu cầu thực tế đó, khái niệm du lịch có trách nhiệm được đưa ra năm 2002 thể hiện cách thức tiến hành để thực sự hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Du lịch có trách nhiệm là gì?

Du lịch có trách nhiệm giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, tăng cường lao động, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn.

Du lịch có trách nhiệm tại các điểm đến được hiểu là việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch; khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; đóng góp tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa nhằm duy trì một thế giới đa dạng; cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách thông qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương, tạo hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương; tạo cơ hội cho những người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn; tôn trọng văn hóa địa phương, khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa khách du lịch và người dân địa phương; tạo dựng niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho cộng đồng.

Các loại hình và khái niệm liên quan đến du lịch có trách nhiệm

Du lịch bền vững

Phát triển du lịch bền vững là đáp ứng các nhu cầu hiện tại trong khi vẫn bảo vệ và tăng cường cơ hội cho tương lai. Ba yếu tố cân bằng trong phát triển du lịch bền vững gồm: kinh tế, xã hội và môi trường.

Du lịch sinh thái

“Du lịch sinh thái là loại hình dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương” (Theo Luật Du lịch)

Du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch tới các điểm đến tự nhiên, nơi có các nền văn hóa bản địa nhằm mang lại lợi ích cho người dân địa phương bằng cách giúp họ duy trì quyền tự ra quyết định về việc tổ chức du  lịch tại địa bàn sinh sống của họ.

Du lịch nông nghiệp

Là một loại hình của du lịch sinh thái và du lịch nông thôn, khuyến khích du khách trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp của nông dân, ngư dân trong thời gian một ngày, qua đêm, hoặc dài ngày với các hoạt động như: trồng cà phê, nho, lúa hoặc bắt cá, tôm, cua…

Nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm

Trách nhiệm về kinh tế

- Khi phát triển các dự án du lịch, cần phải đánh giá tác động kinh tế, xác định rõ loại hình ưu tiên phát triển để mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đời sống của họ.
– Tăng cường liên kết nhằm khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của các cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch.
– Chất lượng sản phẩm du lịch của điểm đến cần phải nêu bật được nét hấp dẫn đặc thù và chú trọng tới giá trị gia tăng.
– Xúc tiến quảng bá du lịch phải đảm bảo tôn trọng tính nguyên vẹn về văn hóa, kinh tế, tự nhiên và xã hội; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
– Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, đưa ra giá cả hợp lý và xây dựng mối quan hệ kinh doanh chia sẻ trách nhiệm cả trong rủi ro và thành công; tuyển dụng và đào tạo nhân viên làm việc có tay nghề.
– Dành hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới du lịch bền vững.

Trách nhiệm về xã hội

- Tích cực thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, nâng cao năng lực để họ hiện thực hóa các sáng kiến đề ra.
– Đánh giá tác động xã hội thông qua quá trình vận động dự án ngay từ khâu lập kế hoạch, thiết kế dự án nhằm giảm thiểu các tác động xã hội và tối đa hóa yếu tố tích cực.
– Đưa du lịch thành nhu cầu trải nghiệm chung của toàn xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm người và cá nhân dễ bị tổn thương và thiệt thòi.
– Ngăn chặn lạm dụng tình dục trong du lịch, đặc biệt đối với trẻ em.
– Giảm thiểu thiệt hại trong quá trình khai thác và sử dụng các nguồn lực; phát triển du lịch gắn chặt với mục tiêu vì người nghèo và hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.
– Tôn trọng phong tục, tập quán của cư dân bản địa; bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội.
– Đảm bảo du lịch đóng góp đáng kể vào cải thiện y tế và giáo dục.

Trách nhiệm về môi trường

- Cần đánh giá tác động môi trường trong quá trình hoạch định và thiết kế dự án du lịch.
– Sử dụng tài nguyên hợp lý và bền vững, giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên và năng lượng.
– Quản lý đa dạng tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bị xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu phòng hộ.
– Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi chủ thể về phát triển bền vững.
– Nâng cao năng lực về du lịch cho mọi chủ thể và tuân thủ những mô hình phát triển du lịch lành mạnh, hiệu quả nhất.

Các chủ thể chính trong thực hiện du lịch có trách nhiệm

Đối với cơ quan quản lý du lịch tại địa phương: xây dựng chính sách, chiến lược, quan điểm phát triển rõ ràng; phổ biến, tập huấn, phát tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương thực hiện theo các nguyên tắc có trách nhiệm; tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo để nâng cao nhận thức và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hành; tuyên truyền, khuyến khích, tôn vinh các điển hình thực hiện du lịch có trách nhiệm…

Đối với doanh nghiệp lữ hành: tập trung xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp phù hợp với nguyên tắc có trách nhiệm; thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; có chế độ khen thưởng đối với cán bộ nhân viên thực hiện các sáng kiến có trách nhiệm; thực hiện các nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm; xây dựng các sản phẩm du lịch có trách nhiệm; hướng dẫn du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm; khuyến khích các hoạt động du lịch tình nguyện và các hoạt động mang tính trách nhiệm cao; xây dựng quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phát triển cộng đồng…

Đối với khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch: xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp; thu hút và đào tạo nhân lực; chế độ thưởng phạt hợp lý; hướng dẫn khách du lịch thực hiện du lịch có trách nhiệm; thực hiện các nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm, đặc biệt trong sử dụng nguồn năng lượng, nguồn nước…

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác: có chính sách quản lý, bảo vệ môi trường và hoạt động phát triển bền vững của các nhà hàng; tiết kiệm năng lượng và nước; sử dụng thực phẩm an toàn; xử lý và hạn chế chất thải; giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và bán sản phẩm xanh…

Đối với cộng đồng địa phương: cần có thái độ ứng xử thân thiện, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan, tìm hiểu tại địa phương; hiểu biết về nguồn tài nguyên cộng đồng đang sở hữu để bảo vệ và giới thiệu đến du khách; tham gia các hoạt động du lịch một cách có tổ chức, tránh tình trạng tự phát, gây lộn xộn, thiếu văn minh đô thị…

Đối với khách du lịch: tìm hiểu và tuân thủ các tập tục địa phương; lựa chọn các doanh nghiệp có quan điểm, tôn chỉ và hoạt động hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm; có ý thức tiết kiệm năng lượng; sẵn sàng tham gia các hoạt động môi trường, ủng hộ phát triển kinh tế – xã hội địa phương; có ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa…

Du lịch Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về việc quản lý, tổ chức hoạt động du lịch. Trước bối cảnh mới và xu hướng phát triển du lịch toàn cầu, ngành du lịch Việt Nam nhận thức rõ phát triển bền vững chính là xu thế tất yếu của thời đại. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra các giải pháp hướng đến việc thực hiện du lịch có trách nhiệm để đạt đến sự phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan. Phát triển du lịch có trách nhiệm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.

Thúy Hằng – Phạm Phương