PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Cập nhật: 09/02/2015
Tại Lai Châu, địa bàn của 20 dân tộc sinh sống. Những bản sắc văn hóa đặc trưng vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn, đời sống của bà con dân tộc vẫn chủ yếu dựa vào hình thức canh tác truyền thống của dân tộc mình, bên cạnh đó là sự duy trì các nghề thủ công truyền thống qua nhiều thế hệ. Lai Châu có thế mạnh và tiềm năng về các bản du lịch cộng đồng, chính vì vậy việc đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống tại các điểm bản du lịch là hướng đi cần thiết lúc này.
Nghề đan nát của dân tộc Thái



















Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn Lai Châu có khoảng 38 nghề truyền thống, con số phần nào cho chúng ta thấy sự đa dạng phong phú trong đời sống sản xuất của bà con dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, các làng nghề hay các nghề truyền thống vẫn chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ như trong gia đình, trong bản làng chưa có hướng phát triển mở rộng ra bên ngoài nên khách du lịch ít có cơ hội để tìm hiểu. Đối tượng duy trì hoạt động của các nghề truyền thống còn bị hạn chế, chỉ tập trung vào đối tượng trung và cao tuổi. Chính vì thế, ngay từ bây giờ các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn cần nâng cao nhận thức cho bà con đặc biệt là nhận thức cho thế hệ trẻ, những người trực tiếp tham gia vào hoạt động của làng nghề, giúp bà con nhận ra những giá trị thiết thực của sản phẩm từ những làng nghề thủ công truyền thống mang lại cho đời sống của bà con cũng như sự hấp dẫn đặc biệt của những sản phẩm du lịch làng nghề với đối tượng là khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đối với những ngành nghề có tiềm năng phát triển như: Nghề dệt của dân tộc Lự tại bản DLCĐ Bản Hon, nghề dệt của dân tộc Thái tại bản DLCĐ Vàng Pheo, nghề làm miến dong tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường... đã được nhiều du khách biết đến cần quảng bá rộng rãi và có hướng đầu tư phù hợp để đa dạng hóa các mặt hàng truyền thống để trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ kế cận nghề truyền thống bằng cách mở các lớp truyền dạy kỹ năng cho những thế hệ trẻ, những người truyền dạy là những người có kinh nghiệm qua nhiều năm, có tay nghề cao. Một yếu tố nữa khi đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống đó chính là việc bảo về môi trường, cảnh quan sinh thái. Thực trạng phổ biến hiện nay là sự phát triển của làng nghề truyền  thống tại các điểm du lịch luôn đi kèm với sự ôm nhiễm môi trường, chính vì thế cần có những hoạt động cụ thể như: xử lý rác thải hợp vệ sinh, tuyên truyền cho du khách mỗi khi đến thăm các hoạt động làng nghề cần giữ vệ sinh chung và vứt rác đúng nơi quy định. Tiếp đến, một trong những yếu tố mà  khách du lịch quan tâm tại các làng nghề truyền thống đó là bản sắc văn hóa, việc phát triển làng nghề cũng đồng nghĩa là việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng, có như vậy hoạt động làng nghề với hoạt động du lịch mới thực sự phát triển bền vững.
Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu có lịch sử phát triển lâu đời, mang đặc tính riêng gắn với truyền thống lịch sử văn hóa. Trong thời gian vừa qua, du lịch làng nghề truyền thống tại Lai Châu có những bước phát triển mạnh mẽ đặc biệt là tại các điểm bản du lịch cộng đồng (bản DLCĐ Bản Hon, bản Sin Suối Hồ, bản DLCCĐ Vàng Pheo...). Bên cạnh đó, để các làng nghề phát triển đúng với tiềm năng, trở thành một loại hình trọng điểm thu hút khách du lịch cần có sự hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có sự chung tay góp sức của chính quyền, của địa phương với mỗi người dân.
Hiện nay, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lai Châu đã và đang tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh các sản phẩm văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh dưới nhiều hình thức như: Sách ảnh, bản tin du lịch, tờ rơi, tập gấp... kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các khách sạn đặt các quầy hàng lưu niệm vừa để bán vừa giới thiệu cho du khách.
Phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loaị hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Văn hóa các làng nghề truyền thống đích thực là một nhân tố hấp dẫn để phát triển du lịch./.
                                                                                                                                          Nguyên Minh