ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH 8 TỈNH TÂY BẮC MỞ RỘNG (TBMR

Cập nhật: 31/07/2015
Liên kết trong lĩnh vực xúc tiến, quảng bá du lịch là một xu thế tất yếu của mỗi địa phương, mỗi khu vực và của mỗi quốc gia, trong đó có liên kết giữa Trung ương và địa phương; Liên kết giữa các địa phương với nhau; Liên kết giữa ngành du lịch với các ngành có liên quan; Liên kết giữa ngành du lịch với các doanh nghiệp; Liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau v.v.. Đối với khu vực Tây Bắc, hợp tác trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong 4 nội dung lớn của Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR đã được lãnh đạo 8 tỉnh trong khu vực ký kết vào năm 2010

Việc liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ tiết kiệm được chi phí và sẽ tạo được hiệu ứng lớn hơn, thu hút được sự quan tâm đông đảo hơn và cũng sẽ tạo được lòng tin lớn của du khách. Do vậy công tác quảng bá xúc tiến sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.


            Để tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch lớn ở trong và ngoài nước: Tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch lớn, đặc biệt là các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Nếu từng tỉnh tham gia riêng thì khó có thể đảm bảo kinh phí và nhân lực để tham gia. Nhưng nếu các Trung tâm của 8 tỉnh liên kết hợp tác thì hoàn toàn có thể thực hiện được.

            Liên kết quảng bá, xúc tiến sẽ giúp cho các tỉnh hiểu rõ về tiềm năng thế mạnh của các tỉnh trong khu vực. Qua đó các tỉnh có điều kiện để xác định xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng và có thế mạnh của mỗi địa phương tránh trùng lắp với các địa phương khác trong khu vực.

Hơn nữa, trong quá trình liên kết quảng bá, xúc tiến các Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch có thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của nhau rất nhiều về cách thức tổ chức, tham gia các sự kiện, các hình thức quảng bá, xúc tiến v.v..

             Trong thời gian vừa qua đã có một số hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến của du lịch 8 tỉnh TBMR như thiết kế xây dựng bộ logo và slogan của du lịch Tây bắc, xuất bản cuốn sổ tay hướng dẫn du lịch 8 tỉnh TBMR, website du lịch Tây Bắc, cùng tham dự Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội VITM, Tổ chức Hội chợ du lịch Tây Bắc… Tuy nhiên vai trò của các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch của một số tỉnh chưa thực sự rõ nét, có tỉnh giao cho phòng Nghiệp vụ du lịch, có tỉnh thì không tham gia v.v.. Hiện nay việc liên kết quảng bá, xúc tiến của của các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch 8 tỉnh TBMR mới đang ở mức độ manh nha và còn điểm hạn chế, cụ thể như sau:

- Chưa có sự ký kết hợp tác một cách chính thức giữa các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch8 tỉnh TBMR. Hiện nay mới có một số Trung tâm có văn bản ký kết giữa 2 tỉnh với nhau và có một số cuộc họp để trao đổi sơ bộ để thống nhất về quan điểm hợp tác chứ chưa có văn bản ký kết hợp tác.

- Chưa xây dựng được nội dung liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch 8 tỉnh.

- Việc trao đổi thông tin giữa các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch chưa được thường xuyên.

- Có tỉnh còn chưa thành lập Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch như tỉnh Hoà Bình

 

Để đẩy mạnh liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch 8 tỉnh TBMR, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Cần phải xúc tiến việc thành lập câu lạc bộ Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch của 8 tỉnh TBMR. Trước mắt, các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch cần thống nhất chọn một Trung tâm làm trưởng nhóm chủ trì, điều phối các hoạt động liên kết hợp tác. Các trung tâm bố trí cán bộ có năng lực làm đầu mối để trực tiếp tham mưu và triển khai các nhiệm vụ liên kết hợp tác.

Thứ hai: Các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch phải thống nhất nội dung và ký kết Chương trình liên kết hợp tác, Quy chế hợp tác,.. Có như vậy việc triển khai các nội dung liên kết hợp tác mới thuận lợi và bền chặt.

Thứ ba: Tăng cường sự liên kết hợp tác giữa Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch của 8 tỉnh TBMR với Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch của tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đây là nơi tập trung nhiều hãng lữ hành lớn cung cấp lượng khách lớn đến với du lịch các tỉnh Tây Bắc.

Thứ tư: Cần phối hợp tổ chức và tham gia nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch chung của khu vực Tây Bắc tại các thị trường trọng điểm ở trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, và ngoài nước Trung Quốc, Pháp …

Thứ năm: Cần đề xuất sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch từ nguồn vốn của Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định số 2151/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu: Tích cực kiếm tìm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực du lịch như EU, WB, AECID, … về tài chính, về kỹ thuật để nâng cao năng lực hoạt động và thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa các.

Thứ bảy: Tăng cường sự hỗ trợ giữa Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch các tỉnh TBMR.

 Để hoạt động liên kết hợp tác đạt được hiệu quả cao, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch các tỉnh TBMR rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, của các cấp lãnh đạo của từng địa phương, các tổ chức quốc tế và đặc biệt cần sự quyết tâm, sự cố gắng nỗ lực của các Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch trong khu vực.

                                                                                                  Thái Hà