Chiều nay (15/4), Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thông qua phần mềm zoom cloud meeting với đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, đại diện doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm bàn về phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chủ trì Hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến thông qua phần mềm zoom cloud meeting.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Theo Đề án đánh giá tỉnh Lai Châu là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp phát triển nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi đặc sản mà nhiều địa phương khác không có được như: Cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, chè… Trong những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, tạo sản phẩm hàng hoá, nâng cao giá trị sản xuất. Đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa hàng hoá, chuối, chè, quế, mắc ca, sơn tra… bước đầu mang lại hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.
Tuy nhiên sản xuất hàng hoá của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, một số sản phẩm chưa được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã; chưa xây dựng được nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Mặc dù đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, tuy nhiên quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa tập trung thành vùng sản xuất lớn, chưa hướng đến sản xuất an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ…
Chính vì vậy, việc ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết với mục tiêu: Khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tạo bước đột phá để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung chuyên canh gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra một số sản phẩm chủ lực của tỉnh; tạo ra được sản phẩm đặc sản có lợi thế so sánh để cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đồng chủ trì Hội nghị.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian bàn thảo về sự cần thiết của Đề án, đánh giá đúng thực trạng phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là tập trung vào những mục tiêu cụ thể của Đề án, việc xác định được danh mục các hàng hoá chủ lực, cũng như bàn giải pháp để Đề án triển khai hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho rằng: Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hàng hoá phải có hướng đi mới và mang tính khả thi cao. Để làm được điều này, trước tiên Đề án phải làm rõ được những hạn chế, phải nhìn thẳng vào thực tế, có đánh giá về nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng, thị trường, sản phẩm chủ lực, quy hoạch vùng trồng…
“Để sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung tức là sản xuất phải lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm ngoài được tiêu thụ ở địa bàn trong tỉnh phải được tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, Đầu tiên phải xác định được sản phẩm chủ lực, từ đó mới xác định diện tích, mục tiêu, năng suất, sau đó mới xây dựng các thương hiệu, xác định thị trường khu vực, trong nước, hay quốc tế; cùng với đó phải quan tâm đến đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, phấn đấu xây dựng nhà máy phụ trợ cho phát triển nông nghiệp.” – Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Về giải pháp, đồng chí Chủ tịch cho rằng phải bổ sung giải pháp về hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc kết nghĩa với 1 số tỉnh của các nước trong khu vực qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm; phải đi trước đón đầu, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, không vì là 1 tỉnh miền núi, khó khăn, sản xuất còn thủ công mà lại không ứng dụng công nghệ thông tin.
“Trong tổ chức thực hiện phải thành lập được các Ban Chỉ đạo của cấp tỉnh, cấp huyện thì mới triển khai được hiệu quả. Trong đầu tư phải rõ ràng, không cào bằng, nơi nào xác định được sản phẩm chủ lực thì đầu tư vào nơi đó, có lộ trình theo năm, có thứ tự ưu tiên rõ ràng. Trong quá trình thực hiện nên học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh phát triển nông nghiệp tốt, có khí hậu thổ nhưỡng, độ cao tương đồng, hướng tới nông nghiệp thông minh.” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đồng chí Chủ tịch đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, chỉnh sửa và tiến hành xin ý kiến rộng rãi; tổ chức toạ đàm, mời các chuyên gia về nông nghiệp… từ đó xây dựng được định hướng tốt, tìm được những hướng đi mới cho tỉnh và xây dựng Đề án mang tính khả thi cao.
Bàn về Đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đa số các đại biểu đồng tình với đánh giá, những năm qua nhờ các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng (gồm cả diện tích cây cao su) từ 46,4% (năm 2015) lên 50,16% (năm 2019); Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện thời sống cho người dân…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như phát triển còn thiếu tính bền vững, giá trị sản xuất chưa cao; chất lượng, trữ lượng rừng còn thấp; diện tích rừng giàu ít... Chính vì vậy việc ban hành Đề án vô cùng cần thiết với những mục tiêu nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phát triển và nâng tỷ lệ che phủ rừng; sử dụng rừng đảm bảo mục tiêu hiệu quả kinh tế từ rừng; đẩy mạnh các hoạt động chế biến và thương mại lâm sản…
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, đồng thời phải bám vào Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển rừng bền vững khu vực Tây Bắc mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo để xây dựng Đề án đúng hướng và có tính khả thi cao.
Nguyễn Trang