NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

LỄ HỘI MÙA XUÂN Ở LAI CHÂU THU HÚT KHÁCH DU LỊCH

Cập nhật: 14/04/2014
Cứ mỗi độ xuân về là đồng bào các dân tộc Lai Châu lại nô nức bước vào mùa lễ hội trong không khí vui tươi, rực rỡ những sắc màu văn hóa. Xuất phát từ truyền thống canh tác nông nghiệp, mùa xuân là thời điểm nông nhàn, vừa kết thúc một năm lao động vất vả. Đây thời điểm để bà con nghỉ ngơi vui chơi, tổ chức lễ hội để tạ ơn trời đất và cầu chúc cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...

Lễ hội Xòe Chiêng: Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày mồng 6 tết huyện Than Uyên lại chọn luân phiên một xã tổ chức Hội Xòe chiêng nhằm giữ gìn, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.Mọi người không kể già, trẻ, gái, trai, thành phần dân tộc...tay trong tay cùng kết nối thành vòng xòe đoàn kết, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất để bước sang một năm mới gặp nhiều may mắn và có nhiều niềm vui, hạnh phúc.

 Lễ hội Gầu Tào Cha được tổ chức vào ngày 13 và 14/2  tại xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu). Ở phần lễ, đồ cúng tế lễ là những sản vật do bà con dân bản chăn nuôi, trồng trọt dâng lên các thần linh với mong muốn một năm mới bình yên, no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Phần hội được diễn ra sôi nổi, hào hứng với các phần thi: biểu diễn văn nghệ, giã bánh dày và một số môn thể thao dân tộc: kéo co, đẩy gậy, tù lu, nhảy bao bố và chọi trâu.

Lễ hội Đền vua Lê Lợi: Mỗi độ xuân về, vào dịp giằm tháng giêng Lễ hội đền thờ Vua Lê Lợi lại được tổ chức để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến người anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công thân chinh dẫn quân lên vùng đất Lai Châu để dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn. Không chỉ vậy còn nhằm xây dựng tình đoàn kết các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đáp ứng được nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh…
Lễ hội Động Tiên Sơn được tổ chức thường niên vào dịp giằm tháng giêng tại điểm du lịch Động Tiên Sơn với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn dân khỏe mạnh cùng các hoạt động vui trơi giải trí với trò chơi thể thao dân gian như: bắn nỏ, ném còn, cờ tướng; kéo co, đẩy gậy; bắt vịt, bịt mắt bắt dê, má lẹ.... thi các tiết mục văn nghệ, thi nét đẹp trang phục các dân tộc, thưởng thức ẩm thực của 3 dân ộc Thái, Giáy, Lự…
Lễ hội Nàng Han được tổ chức vào ngày giằm tháng 2 âm lịch hàng năm tại xã Mường So huyện Phong Thổ. Theo truyền thuyết của dân tộc Thái, Nàng Han đã có công dẹp giặc phương Bắc, là niềm tự hào, là hiện thân của khát vọng hòa bình. Tại Lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn: thi văn nghệ, trò chơi dân gian (kéo co, tó má lẹ, ném còn, đánh cầu lông gà, đẩy gậy, đi cà kheo), ẩm thực dân tộc Thái (cá bống suối om gio, thịt trâu sấy, canh cà đắng, thịt lợn treo bếp).

Lễ hội Then Kin Pang là nét văn hoá đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo mang tính tâm linh của đồng bào dân tộc Thái (Lai Châu). Theo truyền thuyết của dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Sau Pô Phà (vua trời) là Then. Các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người. Vì vậy vua trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm. Trong ngày lễ này, tất cả những người ốm đau bệnh tật, gặp rủi ro trong cuộc sống được ông, bà Then là đại diện của người nhà Trời cầu cúng, làm thuốc cứu giúp sẽ làm lễ tạ ơn. Người nhà Trời thông qua đại diện là bà Then sẽ xuống trần gặp gỡ dân bản, ban cho bà con mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bản làm bình an, đất nước thanh bình. Lễ Then Kin Pang thường được tổ chức vào ngày 10/3 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội “Then Kin Pang” – được ví như linh hồn của người Thái trắng ở khu vực Mường So, huyện Phong Thổ.....

Mùa xuân là mùa của lễ hội và để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách tới tham quan, thưởng thức, các địa điểm được chọn để tổ chức lễ hội rất thuận tiện về mặt giao thông. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, có một số môn thể thao truyền thống được khôi phục đã đem lại sức hút lớn cho các lễ hội như: Đua ngựa đường đèo, chọi trâu, bắn cung đá, leo cột v.v.. Đến với Lai Châu vào dịp này, du khách dễ dàng được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào nơi đây bởi những nét văn hóa sẽ được thể hiện một cách rõ nét tại các lễ hội truyền thống. Rất nhiều du khách nước ngoài đã tỏ ra vô cùng thích thú khi thưởng thức và được hòa mình cùng với bà con các dân tộc tại lễ hội ở Lai Châu. Các lễ hội tổ chức vào dịp đầu xuân này đã thu hút hàng chục nghìn bà con nhân dân trong vùng và du khách tới tham quan và thưởng thức./.

Ngày 14/4/2014
Bài và ảnh: Trọng Văn
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm