NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Hương mùi ngày tết

Cập nhật: 08/02/2021
Trong rất nhiều nghi thức chuẩn bị cho tết Nguyên đán thì nấu lá mùi già để tắm vào chiều 30 là nét đẹp độc đáo trong văn hóa của người Việt. Đến nay, thói quen ấy vẫn được nhiều gia đình duy trì.

Theo quan niệm dân gian từ xa xưa, tắm lá mùi già vào ngày cuối năm có thể xua đi những chuyện không may mắn, trút bỏ ưu tư phiền muộn của năm cũ để bước sang năm mới với nhiều niềm vui và tài lộc. Do đó, dù bận rộn đến đâu, nhiều gia đình vẫn không quên đi chợ mua bó mùi già về đun nước tắm như một nghi thức tẩy trần.

Người dân trồng mùi và để già bán trước tết Nguyên đán.

Để có nồi nước tắm lá mùi ngát hương, như ý, các gia đình thường chọn những cây mùi già đã trổ hoa và kết quả. Đặc biệt, mùi càng già lại càng thơm. Mùi thơm ấy, không đơn thuần của cỏ cây mà đó còn là kết tinh từ nắng gió thiên nhiên. Vì vậy, giữa vô vàn hương hoa ngày tết, công việc cuối năm có bộn bề, tất bật thì khi ngang qua các bà, các chị dạo bán mùi già, ai nấy đều bắt gặp mùi hương thoang thoảng trong không khí. Hương thơm mùi già mang đến cảm giác ấm áp. Một mùi vị đặc trưng của quê hương, của ngày tết.

Mùi già dùng nấu nước tắm được nhổ cả rễ rồi rửa sạch. Không cần quá nhiều, chỉ cần hai bó vừa tay cũng có thể đun nồi nước tắm cho cả gia đình. Ngoài ý nghĩa giá trị về mặt tinh thần thì cây mùi già còn có hàm lượng tinh dầu cao, tốt cho sức khỏe. Thân mùi già, hạt mùi, lá mùi có tính sát khuẩn, do đó nhiều người bị cảm cúm có thể dùng mùi già xông giúp tăng cường sức đề kháng. Hiện nay, có nhiều hãng mỹ phẩm chiết xuất mùi già thành những sản phẩm có tác dụng hỗ trợ sức khỏe như: xà bông mùi già, tinh dầu hương mùi được nhiều người ưa chuộng.

Như thành thông lệ, năm nào cũng vậy, vào những ngày 29, 30 tháng chạp, chị Trịnh Thị Toản ở thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) đều đi chợ mua mùi già về đun nước tắm cho cả gia đình. Chị Toản chia sẻ: Khi còn nhỏ tôi đã được ông, bà kể cho nghe về phong tục tắm lá mùi vào chiều cuối năm. Đây là nét đẹp truyền thống trong ngày tết. Đến nay lập gia đình đã hơn 10 năm rồi, nhưng mỗi khi tết đến xuân về tôi đều mua mùi già về đun nước tắm với mong muốn xua đi những vận hạn trong năm cũ. Đón năm mới với một tinh thần sảng khoái, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn hơn.

Gia đình bà Lý Thị Hợp ở bản Tả Làn Than, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu có diện tích đất vườn rộng trồng các loại rau xanh phục vụ nhu cầu gia đình, bán ra thị trường tăng thu nhập. Nhận thấy nhu cầu sử dụng mùi già cuối năm tăng, vào tháng 9 âm lịch hàng năm, bà Hợp đều làm đất gieo 3 luống mùi. Dễ cho việc chăm sóc cũng tiện để giống rau mùi vào những vụ sau, bà Hợp không gieo lẫn hạt mùi với các loại rau xanh khác. Xác định trồng để già bán vào dịp tết nên bà không cắt ngọn, tỉa lá. Lại là mùi tía nhân giống qua nhiều năm nên rau mùi do gia đình bà trồng rất thơm. Khách quen đến tận nhà mua về nấu nước tắm. Bà Hợp cũng mang mùi già ra chợ bán vào ngày 29, 30 tết. Bán mùi già mấy ngày cuối năm giúp gia đình bà thu lãi hơn 1 triệu đồng. Bà Hợp tâm sự: Ngoài trồng mùi bán thêm thu nhập đối với tôi còn là niềm vui, bởi điều đó góp phần giữ hương vị ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Cùng chung suy nghĩ với bà Hợp, hiện nay nhiều gia đình trên địa bàn thành phố Lai Châu cũng trồng mùi bán vào dịp tết Nguyên đán.

Ngày nay, những hình ảnh gắn bó với tết cổ truyền đang dần mất đi thì hương mùi già vẫn vương vấn khi tết đến xuân về. Mỗi chiều 30 tết, trước giờ khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, được tắm trong hương mùi già, ai cũng thấy một cảm giác ấm áp, xốn xang đến lạ kỳ!

Hoài Thương

Nguồn: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/h%C6%B0%C6%A1ng-m%C3%B9i-ng%C3%A0y-t%E1%BA%BFtabc
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm