NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Thi vị Tam Đường

Cập nhật: 28/10/2021
Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên và là điểm đến lý tưởng của những du khách yêu thích du lịch mạo hiểm, khám phá bản sắc văn hóa của các tộc người, cũng như tận hưởng cuộc sống bình yên nơi miền sơn cước.

THI VỊ TAM ĐƯỜNG

 

Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên và là điểm đến lý tưởng của những du khách yêu thích du lịch mạo hiểm, khám phá bản sắc văn hóa của các tộc người, cũng như tận hưởng cuộc sống bình yên nơi miền sơn cước.

Ảnh: Du khách trải nghiệm khám phá tại Cầu kính rồng mây Lai Châu

Điểm đến đầy thi vị đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận đó chính là Đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Cổng trời Ô Quy Hồ), thuộc xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cách Sa Pa 15 km, cách thành phố Lai Châu khoảng gần 50km. Là một trong tứ đại đỉnh đèo của núi rừng Tây Bắc, Đèo Ô Quý Hồ nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Nằm ở độ cao trên 2000m giữa mây núi ngút ngàn, cung đường đèo hiện ra mềm mại, trải dài như dải lụa uốn mình sát những vách núi dựng đứng. Đặc biệt đứng ở đỉnh Đèo Ô Quý Hồ bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi rất rõ nét qua từng thời khắc trong ngày. Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên, hoặc đèo Mây, nhưng ít ai biết rõ xuất sứ cái tên “Ô Quý Hồ”. Ô Quý Hồ chính là tiếng kêu da diết của một loài chim mỗi khi hoàng hôn rơi trên đỉnh núi và ẩn sau tiếng kêu ấy là một câu chuyện tình yêu không thành của đôi trai gái. Đến Ô Quý Hồ vào mùa đông, nếu may mắn ta có thể được chiêm ngưỡng một cảnh tượng hiếm gặp đó là những bông tuyết và hiện tượng băng đá.

Nằm cách Đỉnh đèo Ô Quy Hồ khoảng 4km là Cầu kính rồng mây Lai Châu được mệnh danh là “Đường lên Thiên đỉnh”, công trình đầu tiên có mặt tại Việt Nam với chiều cao 300m, thiết kế ba bề mặt kính trong suốt vươn ra vách núi 60m, lối đi rộng 5m nối buồng thang máy vào vách núi đá trên độ cao 2.200m so với mực nước biển và 548,5m so với độ cao khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn. Buồng thang máy lồng kính có sức chứa 30 người với tốc độ di chuyển không quá nhanh đưa khách xuyên qua các tầng mây, thỏa sức chiêm ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, tận hưởng cảm giác cưỡi mây đạp gió, thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đẹp như tiên cảnh. Cầu kính rồng mây Lai Châu là nơi thích hợp cho du khách trải nghiệm du lịch ngắm cảnh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm với những trò chơi hấp dẫn như trượt Zipling, nhảy dù, khinh khí cầu...

Cẩm nang cho du khách không thể bỏ qua chính là những trải nghiệm đầy thi vị khi ghé thăm những điểm du lịch nổi tiếng nơi đây với nhưng câu truyện tình hàng đêm kể như: Thác Tác Tình, Động Tiên Sơn, các Bản du lịch cộng đồng như Sì Thâu Chải, Bản Thẳm, Lao Chải… hoặc thưởng thức những món ẩm thực truyền thống của người Dao, người Thái, người Lự… ngay trong nếp nhà truyền thống, hay cùng bà con trải nghiệm nghề xe lanh, dệt vải, nhuộm tràm, may trang phục, hoặc những bài hát, điệu múa làm mê hoặc lòng người…

Đặc biệt hơn nếu bạn may mắn và ưa thích du lịch mạo hiểm thì hãy trải nghiệm khám phá cùng các phi công trong nước và quốc tế tại các Giải dù lượn được tổ chức hàng năm ở điểm bay Sì Thâu Chải. Với khả năng kỹ thuật cao, các phi công sẽ đưa bạn bay dọc trên sườn Tây dãy Hoàng Liên Sơn, thưởng ngoạn khung cảnh tự nhiên, ngắm đời sống dân sinh từ trên cao. Những trải nghiệm, khám phá đầy thi vị ấy sẽ làm bạn nhớ mãi không quên, mà đã đến rồi ắt sẽ có ngày trở lại.

 

                                                                 Tin, ảnh: Nhật Minh

Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 1 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm