NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở Lai Châu

Cập nhật: 15/11/2023
Để phát huy hiệu quả nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để tạo dấu ấn riêng cho du lịch cộng đồng.

Nhà tổ chim trên bản Sin Suối Hồ tạo sự hấp dẫn đối với du khách. (Ảnh tư liệu)

Trong các chuyến khảo sát tại các điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh Lai Châu, nhìn chung các chuyên gia về lĩnh vực du lịch, các công ty lữ hành, khách du lịch đều đánh giá: Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Xu thế hiện nay, du khách thích đến với những điểm còn hoang sơ, giữ nguyên bản sắc và chưa bị thương mại hóa - các bản du lịch cộng đồng của Lai Châu lại trở thành địa điểm ưu tiên được nhiều du khách "mách" nhau sau các chuyến đi. Thực tế từ báo cáo của UBND tỉnh về sự tăng trưởng khách du lịch 13%/năm đã minh chứng cho nét hấp dẫn của cảnh quan, con người Lai Châu đối với khách du lịch.

Cũng trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tích cực phát triển thị trường du lịch, dịch vụ, sản phẩm du lịch thông qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện, Hội nghị, đón đoàn Famtrip, Caravan, Hội chợ du lịch và du lịch quốc tế thường niên; phối hợp xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có. Phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, khách du lịch, khách công vụ khi đến tham quan và làm việc tại Lai Châu. Tổ chức 34 khóa tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho trên 1.500 lượt học viên là cán bộ, nhân viên, quản lý khách sạn và người dân trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức và tăng cường liên kết phát triển du lịch; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch...

Đường vào bản Sì Thâu Chải được lát đá rất sạch sẽ.

Để sẵn sàng cho các hoạt động đón khách, thích ứng linh hoạt trong điều kiện mới trước diễn biến của dịch Covid-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu thực hiện nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm, tập trung nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch mới và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Sở đã tăng cường giới thiệu, quảng bá và mời gọi nhà đầu tư, công ty du lịch xây dựng sản phẩm du lịch để khách du lịch đến Lai Châu là nghĩ tới điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, đậm tính miền núi đặc trưng và các nét văn hóa của các dân tộc bản địa.

Tiếp tục kích cầu du lịch phát triển, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030". Theo đó, Lai Châu sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đề án, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Du khách trải nghiệm du lịch dù lượn tại Sì Thâu Chải.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lai Châu sẽ đầu tư bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp. Bản Sì Thâu Chải (huyện Tam Đường) tập trung phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Dao gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi). Tại bản San Thàng (thành phố Lai Châu), du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng, song song với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người dân tộc Giáy. Các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa cũng được đẩy mạnh tại bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ) của người Thái và bản Thẳm (huyện Tam Đường) của người Lự.

Cùng với đó, ngành Du lịch Lai Châu vẫn tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, thành lập đoàn cán bộ và các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các tỉnh có nét tương đồng nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân, từ đó giúp họ thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch này một cách bền vững. 

Ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: Trong giai đoạn tới trên cơ sở nhìn nhận đúng, đủ về tiềm năng, thế mạnh cũng như những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ và thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng và quốc tế; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch; đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mà tỉnh có lợi thế như: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, độc đáo của các dân tộc; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và các danh lam thắng cảnh; du lịch thể thao mạo hiểm gắn với khai thác, chinh phục các đỉnh núi cao. Riêng du lịch cộng đồng sẽ tập trung lấy cộng đồng dân tộc làm trung tâm để phát triển; phục hồi, phát huy chính những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tốt đẹp, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian của mỗi cộng đồng để phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế và tinh thần cho cộng đồng đó. Và thông qua du lịch sẽ góp phần tôn vinh, lan tỏa những hình ảnh, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

 

Nguyễn Chanh

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm