Từ cánh đồng Mường Than, đèo Ô Quy Hồ, đồi chè Tân Uyên, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử đến Bản Hon và nhiều điểm du lịch khác nữa..., Lai Châu đang chờ đón du khách với ngàn vạn trải nghiệm thú vị dịp 2/9 này.
Tỉnh Lai Châu nằm ở phía tây bắc, giáp các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Lai Châu, cách Hà Nội khoảng 420 km.
Lai Châu mang đặc trưng của khí hậu và văn hóa Tây Bắc nên thời điểm thích hợp để du lịch Lai Châu là tháng 8 đến tháng 10, khi các cánh đồng lúa chín vàng. Thời điểm khác cũng hấp dẫn không kém, đó là mùa xuân, tháng 1 đến tháng 3, với đủ loại hoa như đào, ban nở rực rỡ và mùa đổ nước tháng 4, tháng 5.
Từ Hà Nội đến Lai Châu, du khách di chuyển bằng ô tô theo cao tốc Hà Nội - Lào Cai, sau đó vào quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai, thời gian di chuyển khoảng 8 giờ đồng hồ.
Phương án khác là di chuyển bằng xe khách. Xe xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, giá vé dao động từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng, tùy nhà xe và loại giường nằm hay ghế ngồi.
Đến Lai Châu, du khách có nhiều lựa chọn tham quan, tuỳ theo chuyến đi dài hay ngắn cũng như túi tiền của mình. Dưới đây là một số điểm đến mà du khách có thể tham khảo, để chuyến đi của mình có những trải nghiệm thú vị nhất.
Vẻ đẹp kỳ vĩ của cánh đồng Mường Than. Ảnh: Mạnh Cường
Cánh đồng Mường Than
Nằm ở huyện Than Uyên, cánh đồng Mường Than là một trong 4 cánh đồng lớn nhất của Tây Bắc “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (cánh đồng Mường Thanh thuộc tỉnh Điện Biên, Mường Lò thuộc Yên Bái, Mường Than của Than Uyên, Lai Châu và cánh đồng Mường Tấc thuộc tỉnh Sơn La).
Cánh đồng Mường Than là đại diện cho vẻ đẹp của những cánh đồng lúa vùng Tây Bắc với cảnh đẹp mênh mông, rừng lúa phủ kín trông giống hệt một bức tranh vẽ màu sắc. Nơi đây xứng đáng là một địa điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu mà bạn nhất định không nên bỏ lỡ nếu có dịp đến với Lai Châu.
Mỗi khi đến mùa lúa chín, cả một vùng trời Mường Than đều được bao phủ sắc vàng. Đây cũng chính là thời điểm lý tưởng nhất để bạn có thể tìm đến cánh đồng Mường Than check in trong hành trình du lịch của mình.
Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ còn gọi là “Đèo Hoàng Liên”. Đây là một địa điểm cực hot, không chỉ thách thức sự tò mò của hội cuồng đi mà còn hấp dẫn đối với những tâm hồn yêu thích nghệ thuật. Nằm ở huyện Tam Đường, đèo Ô Quy Hồ từ lâu đã nổi tiếng không chỉ vì vị trí giao thông quan trọng mà còn bởi vẻ đẹp hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc.
Đèo Ô Quy Hồ cùng với Mã Pì Lèng, Pha Đin và Khau Phạ là tứ đại đỉnh đèo vùng Tây Bắc. Ngoài danh hiệu trên, đèo Ô Quy Hồ còn được biết tới như con đèo dài nhất Việt Nam. Năm 2013, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao cho đèo Ô Quy Hồ danh hiệu đèo dài nhất Việt Nam, với chiều dài gần 50 km.
Được biết tới với cái tên vô cùng thơ mộng là đèo Mây, do nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, quanh năm bốn bề mây bao phủ, đèo Ô Quy Hồ là địa điểm săn mây cực kỳ nổi tiếng và “được lòng” giới trẻ.
Cao nguyên Sìn Hồ
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1.500m. Được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C.
Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi…
Lên thăm cao nguyên Sìn Hồ du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương…
Đồi chè Tân Uyên
Với quy mô gần 2.000 ha trải dài dọc theo quốc lộ 32, những cây chè có tuổi đời từ 40 - 50 năm, lại nằm cách trung tâm thị trấn Tân Uyên không xa, đồi chè Tân Uyên hiện là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.
Tới đây bạn sẽ được tận hưởng cảnh vật và thiên nhiên trong lành. Đây cũng là nơi nhiều người chọn để chụp ảnh cưới, hoặc thực hiện một bộ ảnh lãng mạn trong đồng chè xanh mướt, giữa lấp lánh nắng vàng. Chè cũng là một trong những cây kinh tế chính của thị trấn với sản phẩm chè nổi tiếng khắp cả nước như chè San Tuyết, Ô long, Thanh Tâm...
Bạch Mộc Lương Tử
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử nằm trên địa phận xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Với độ cao 3.045m so với mực nước biển, Bạch Mộc Lương Tử là một trong 5 ngọn núi cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Rất nhiều người nhầm lẫn khi nghe tên Bạch Mộc Lương Tử với Bạch Mộc Lương ở Trung Quốc. Nhưng thực chất, Bạch Mộc Lương Tử chỉ là cái tên do các trekker tự đặt, tên gốc của núi này là Kỳ Quan San.
Trên đường chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, cảnh vật như trong truyện cổ tích. Ảnh: FB
Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử luôn là một thách thức nhưng cũng đầy hấp dẫn đối với các phượt thủ. Không phải là đỉnh núi cao nhất, nhưng Bạch Mộc Lương Tử được biết đến là đỉnh núi có cảnh quan đẹp nhất, và cung đường khám phá thú vị nhất.
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè nằm trên địa bàn 2 xã Tà Tổng và Mù Cả của huyện Mường Tè. Với độ cao trung bình từ 1.000 đến 2.827 mét so với mực nước biển, địa hình trong Khu bảo tồn đa dạng và độc đáo. Ở đây có những bức tranh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với những dãy núi cao chót vót, những thung lũng xanh mướt, những con sông suối uốn lượn và những thác nước đổ ầm ầm.
Bên cạnh giá trị về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè còn sở hữu hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng.
Kết quả khảo sát cho thấy, tại đây có 542 loài thực vật, trong đó có 57 loài quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong sách đỏ thế giới; 22 loài đặc hữu hẹp cho vùng Tây Bắc...
Mường Tè còn là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số với những bản làng mộc mạc, những phong tục tập quán độc đáo và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Du khách đến đây sẽ có cơ hội hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, trải nghiệm những hoạt động văn hóa truyền thống và thưởng thức những món ăn đặc sản thơm ngon.
Các hoạt động du lịch sinh thái như trekking, leo núi, khám phá hang động, chèo thuyền kayak, tắm suối, cắm trại khá phong phú để du khách lựa chọn… Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia vào các chương trình giao lưu văn hóa với người dân địa phương, tìm hiểu về phong tục tập quán và đời sống tinh thần của họ.
Quần thể hang động Pu Sam Cáp
Cách thành phố Lai Châu khoảng 6km, quần thể hang động Pu Sam Cáp được ví là “Tây Bắc đệ nhất động”. Hiện Pu Sam Cáp có hai động đang đón khách du lịch là động Thiên Môn và động Thiên Đường với nhiều nhũ đá kỳ ảo, huyền bí. Tại đây, mỗi giọt nước từ nhũ đá nhỏ xuống đều sẽ phát ra một âm thanh sống động đến lạ.
Hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp tại quần thể danh thắng hang động Pu Sam Cáp. Ảnh: TL
Nếu có dịp đến tham quan địa chỉ này, du khách sẽ thật sự ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn với vòm hang cao và rộng, nền động trông giống hệt như mặt hồ gợn sóng vậy. Quần thể hang động Pu Sam Cáp hứa hẹn sẽ là một địa điểm du lịch lý tưởng mà du khách chắc chắn không thể bỏ lỡ trong chuyến du lịch Lai Châu.
Bản Sin Suối Hồ
Sin Suối Hồ vốn là một bản làng nhỏ ở huyện Phong Thổ, nơi người đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây từ lâu đã được tạo hóa thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan kỳ vĩ vô cùng khiến nhiều người thích thú tìm đến khám phá.
Với khí hậu mát mẻ quanh năm kết hợp với cảnh quan tươi đẹp, bản Sin Suối Hồ đã trở thành một địa điểm du lịch Lai Châu được đông đảo du khách yêu thích và tìm đến khám phá.
Bản Hon
Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu chỉ khoảng 12km di chuyển, Bản Hon vốn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, là bản du lịch cộng đồng duy nhất còn sót lại của người Lự tại Việt Nam.
Người Lự ở xã Bản Hon bây giờ vẫn còn lưu giữ lại nguyên vẹn nét văn hóa đặc trưng như tục nhuộm răng đen, những nếp nhà sàn truyền thống, cách lao động sản xuất cổ xưa... vô cùng thú vị đang chờ đón du khách tìm đến khám phá.
Chợ phiên San Thàng
San Thàng là một xã vùng cao thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Nơi đây có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống với những phong tục tập quán khác biệt, tạo nên nét văn hoá đặc sắc. Du khách nếu muốn khám phá những phong tục tập quán khác nhau của đồng bào các dân tộc Tây Bắc thì không thể không đến phiên chợ San Thàng nổi tiếng.
Chợ phiên San Thàng mang đậm sắc mầu văn hoá vùng cao. Ảnh: TL
Chợ họp mỗi sáng thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần. Vào những ngày thường thì chợ họp từ 5- 9h sáng nhưng những ngày thu hoạch nông sản hay vào dịp tết, dịp lễ hội thì phiên chợ kéo dài thời gian hơn, có khi đến 11h trưa.
Chợ phiên San Thàng luôn rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc, từ sắc màu hoa văn lung linh trên khăn, túi, áo, quần, váy con gái người Dao, người Lự, dập dờn cánh bướm khuy áo bạc thiếu nữ Thái trắng...
Bên cạnh việc mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên San Thàng còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu. Cùng hoà mình vào không gian ấy, sẽ là những trải nghiệm khó quên đối với mỗi du khách.
Khánh Ngọc (Báo Nhà Báo và Công luận)