Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu được đưa ra thị trường và nhanh chóng trở thành “điểm nhấn” thu hút du khách trong và ngoài nước.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển thương mại và dịch vụ du lịch giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, tỉnh Lai Châu đã phát triển một số sản phẩm du lịch có tính đặc trưng địa phương.
Một tiết mục nghệ thuật trong Chương trình chào mừng Tết Độc lập năm 2024 với chủ đề “Lung linh sắc màu Than Uyên", do UBND tỉnh Lai Châu tổ chức. |
Trong đó có thể kể đến hoạt động chợ phiên, chợ đêm San Thàng; các lễ hội: Đền vua Lê Lợi, Grâuk Taox Cha (Lễ hội Gầu Tào), Tú Tỉ…
Đặc biệt các hoạt động tại phố đi bộ Hoàng Diệu tại thành phố Lai Châu bước đầu đã tạo điểm nhấn, tạo được sân chơi, là điểm gặp gỡ, giao lưu văn hóa của nhân dân và du khách, góp phần xây dựng thành phố Lai Châu từng bước trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ du lịch của tỉnh.
Gầu Tào là lễ hội lớn và tiêu biểu nhất của đồng bào người Mông ở Lai Châu, được tổ chức vào đầu mùa Xuân. |
Một số sản phẩm truyền thống của Lai Châu cũng được đưa ra thị trường và nhanh chóng trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đó là nhóm sản phẩm trà của Công ty cổ phần trà Tam Đường; nhóm sản phẩm thịt sấy các loại của cơ sở Ninh Sớp, cơ sở Trường Hà, Hợp tác xã Phú Trường; nhóm sản phẩm rượu ngô Sùng Phài; nhóm các sản phẩm bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy xã San Thàng; nhóm các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông.
Đồng bào dân tộc tới chợ phiên San Thàng không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để hẹn hò, say men rượu của núi rừng Tây Bắc. |
Ngoài ra, còn một số mặt hàng đã trở thành sản phẩm có thế mạnh như: mắc ca, đông trùng hạ thảo, mật ong, thuốc chữa bệnh gan A Súa đã và đang được du khách yêu thích.
Một điệu xòe thể hiện tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu tại Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập năm 2024. |
Về phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch, hệ thống khách sạn nhà hàng, các dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ lữ hành, lưu trú và các hệ thống dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí từng bước được mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ.
Một tiết mục nghệ thuật được biểu diễn trên phố đi bộ Hoàng Diệu, thành phố Lai Châu
Tỉnh Lai Châu đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư ngoài ngân sách với 3 dự án: Lâm viên thành phố Lai Châu, khu di tích quốc gia Pu Sam Cáp, hồ Thủy Sơn. Việc xây dựng khu du lịch cộng đồng Gia Khâu 1 đã đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển nghề nấu rượu ngô truyền thống, thêu dệt thổ cẩm, trồng cây ăn quả, dịch vụ văn nghệ, ẩm thực.
Du khách thích thú check-in tại khu du lịch cộng đồng Gia Khâu.
Đến với Lai Châu du khách không chỉ được khám phá và trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây mà còn được thưởng thức các món ăn đặc sản như thịt gác bếp, lạp xưởng hun khói, xôi tím, canh tiết lá đắng... của người vùng cao.
Năm 2025, Lai Châu định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với chương trình trọng tâm là phát triển thương mại và dịch vụ du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành tăng cường chương trình kích cầu du lịch vào các dịp lễ, tết.
Quần thể hang động tại khu di tích quốc gia Pu Sam Cáp.
Trải nghiệm cảnh trời mây bao la, hùng vĩ tại khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây
Đồng thời, tăng cường kết nối, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành hình thành các tour du lịch nội thành, tour du lịch nội tỉnh từ thành phố Lai Châu đến các điểm du lịch ở Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn; kết nối các tuor du lịch ngoại tỉnh: Sa Pa - Lai Châu - Điện Biên; Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu; Hải Phòng - Lào Cai - Lai Châu...
Nhật Minh