NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

“Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 – Nhìn lại để tiến xa hơn”

Cập nhật: 19/12/2024
Sáng 18.12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm đánh giá kết quả công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Trần Mạnh Hùng - Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan; trưởng, phó các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của ngành VHTT&DL

Năm 2024, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: “Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích”. Trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đều đạt nhiều kết quả rõ nét. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.175 huy chương quốc tế. Du lịch đạt được những con số ấn tượng với 17,2 - 17,5 triệu lượt khách quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 840 nghìn tỷ đồng. Công tác văn hóa đối ngoại có nhiều điểm sáng, nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, góp phần quảng bá hình ảnh và củng cố vị thế của đất nước...

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu

Đối với tỉnh Lai Châu, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá được chú trọng: sưu tầm và tiếp nhận gần 1.000 hiện vật mới, 32 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở cũng từng bước được quan tâm đầu tư. Năm 2024, toàn tỉnh ước đón 1.359.000 lượt khách; doanh thu ước đạt trên 1.084 tỷ đồng. Tỉnh đã tổ chức thành công “Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân” tỉnh Lai Châu năm 2024, Tết Độc lập, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Than Uyên năm 2024, Tuần Văn hóa- Du lịch Lai Châu năm 2024 tại Đà Nẵng, Giải leo núi tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ II - Chinh phục đỉnh Răng Cưa... nhận được hiệu ứng tích cực từ Nhân dân và du khách đến Lai Châu. Các sự kiện này đã góp phần quảng bá hình ảnh của Lai Châu đến với bạn bè trong nước và quốc tế, để lại dấu ấn sâu đậm cho đại biểu, vận động viên, du khách về một Lai Châu giàu tiềm năng du lịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hùng vỹ, văn hoá đậm đà bản sắc và con người thân thiện mến khách....

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Thủ tướng đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tập trung các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển ngành du lịch. Nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa, đào tạo nhân tố nghệ thuật, thể thao chuyên nghiệp. Xây dựng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tiêu biểu để tạo xu hướng, khuyến khích sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Huy động sức mạnh từ các nguồn lực để phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng; không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự tăng tốc, bứt phá của ngành trong năm 2025. 

Hoài Nguyễn

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm