Chiều ngày 9/7, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Du lịch Việt Nam 6 tháng cuối năm 2025. Hội nghị được kết nơi trực tuyến đến 34 điểm cầu của 34 địa phương trên cả nước. Dự tại điểm cầu tỉnh có lãnh đạo Sở VH,TT&DL và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ghi nhận những đóng góp và gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Du lịch nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành (9-7-1960 / 9-7-2025).
6 tháng đầu năm 2025, hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước tiếp tục có nhiều khởi sắc. Số lượng khách du lịch nội địa duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024; đạt 64,5% kế hoạch năm 2025. Số lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều điểm đến. Lần đầu tiên Việt Nam đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong nửa đầu năm, tăng 20,7% so với cùng kỳ, đạt 48,6% kế hoạch năm 2025. Doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng; đạt 52,8% kế hoạch năm. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo. Hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, an toàn.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phát triển ngành du lịch như: Công tác quảng bá, xúc tiến còn thiếu điểm nhấn, chưa tạo dựng được thương hiệu quốc gia nổi trội, mang bản sắc riêng của Việt Nam. Hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện nhưng vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điểm đến của du khách. Doanh nghiệp du lịch đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực tài chính để triển khai xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, triển khai các chính sách ưu đãi thu hút khách du lịch. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, phát triển ngành du lịch trong thời gian tới...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh:
Thứ nhất, sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, phải định vị lại tài nguyên du lịch của từng địa phương và của quốc gia. Đây là yêu cầu có tính bắt buộc, Bộ trưởng đề nghị sau hội nghị hôm nay, các đơn vị phải cùng thực hiện và thực hiện trong thời gian sớm nhất. Chậm nhất hết quý III năm 2025 phải định vị được tài nguyên du lịch để "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, về hoàn thiện thế chế, phải rà soát lại cơ chế chính sách, các chiến lược, đề án du lịch cấp Trung ương và địa phương đã ban hành để bổ sung, hoàn thiện. Có như vậy mới có thể tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, phải tái xác định lại thị trường du lịch trọng điểm từ quốc gia đến địa phương. Hiện nay chúng ta đã xác định 10 thị trường trọng điểm quốc tế bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, EU, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông và Nga. Các thị trường trọng điểm, chiến lược này phải được lưu ý trong xúc tiến, quảng bá.
Thứ tư, tiếp tục tập trung xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam đặc sắc theo Chỉ thị của Thủ tướng và Nghị quyết của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, sau khi các địa phương sáp nhập, có không gian mới cần phải tái xác lập lại các sản phẩm du lịch, các sản phẩm phải có độ lớn, có chiều sâu và đặc trưng, phù hợp với từng địa phương. Bộ VHTTDL sẵn sàng phối hợp với một số địa phương để nghiên cứu, kiến tạo sản phẩm mới.
Thứ năm, đẩy mạnh chương trình quảng bá xúc tiến, đặc biệt phải chú ý đến chủ đề đã xây dựng là "Việt Nam đi để yêu" và hướng mạnh vào địa phương. Xúc tiến, quảng bá phải trên hai yếu tố là khách quốc tế và khách nội địa. Trong đó, khách nội địa là bệ đỡ của ngành du lịch, chúng ta đã thành công trong đại dịch Covid-19 thì cần tiếp tục phát huy trong bối cảnh hiện nay.
Thứ sáu, phải tập trung triển khai hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn với chuyển đổi số toàn diện. Yêu cầu phải có các sản phẩm số hóa cụ thể, Bộ trưởng gợi ý xây dựng "sản phẩm du lịch không có dấu chân" với việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với những chỉ đạo, chính sách rất rõ ràng, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bắt tay vào triển khai, tiến hành toàn diện.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, trong quá trình chuyển đổi số, yếu tố con người vẫn phải được coi trọng, "số hóa không có nghĩa là vô cảm mà yếu tố con người trong đó vẫn rất quan trọng".
Thứ bảy, phải tăng cường quản lý điểm đến, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện. Đề nghị tuyên dương những tấm gương, hình ảnh đẹp trong du lịch, Bộ trưởng cũng yêu cầu kiên quyết chống và khắc phục bằng được những hình ảnh xấu như chặt chém trong du lịch.
Thứ tám, tăng cường liên kết trong du lịch. Bộ trưởng đề nghị sau khi sáp nhập và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành cần ngồi lại với nhau để đẩy mạnh liên kết, xây dựng các sản phẩm, kênh phân phối, vận hành. Đẩy mạnh liên kết nội ngành đồng thời phải tăng cường liên kết trong các lĩnh vực khác.
Thứ chín, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp.