NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

DINH THỰ ĐÈO VĂN LONG – NƠI NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Cập nhật: 16/08/2010
Lai Châu – mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn và vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ của vùng Tây Bắc. Không những thế, khám phá Lai Châu là khám phá một kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú.

 

 

Lai Châu – mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn và vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ của vùng Tây Bắc. Không những thế, khám phá Lai Châu là khám phá một kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú. Trong lịch sử hình thành 100 năm của mình, hơn nửa thế kỉ vùng đất này nằm dưới quyền cai trị của cha con họ Đèo. Hiện nay khu di tích ghi dấu thời thống khổ của nhân dân vùng ngã ba sông Đà vẫn còn hiện hữu. Đó là dinh thự Đèo Văn Long.

Khu dinh thự  là nơi chứng kiến rất nhiều những sự kiện lịch sử của miền Tây Bắc nói chung và vùng đất Lai Châu nói riêng. Trong dinh thự đồ sộ ấy, Đèo Văn Long đã dùng làm nơi để ở, để cai quản, làm nơi ăn chơi tiếp đón sĩ quan Pháp, vừa là nơi để tra tấn những người chống đối và thực hiện các hoạt động chống phá cách mạng khác.

Nằm cách thị xã Lai Châu 102 km về phía Tây Nam, theo các con đường: quốc lộ 4D, quốc lộ 32 và tỉnh lộ 127 hay đi thuyền ngược sông Đà, khu dinh thự nằm trên địa phận xã Lê Lợi huyện Sìn Hồ. Dinh Đèo Văn Long như một bằng chứng lịch sử rõ nét nhất về sự ăn chơi, xa hoa của một lãnh chúa phản động.

Vì sao một Chúa Thái – một người có uy tín, quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng tộc người Thái nói riêng và các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc nói chung lại trở thành một kẻ tàn bạo, phản quốc và để mất lòng dân đến vậy? Thực ra tổ tiên dòng họ Đèo di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam cách nay khoảng 300 năm không phải là những người phản động. Ngược lại, tổ tiên của Đèo Văn Long là Cằm Cóng (Tức Đèo Kim Cương) đã cùng nhau chung sống thuận hoà trên mảnh đất Lai Châu này từ rất lâu và đã làm Tạo đất Thái một vùng khá rộng lớn ở Tây Bắc. Những năm cuối thế kỉ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, Tạo Thái dòng họ Đèo Cằm Cóng là Đèo Văn Trì (bố của Đèo Văn Long) đã cùng các anh em ruột của mình thống lĩnh nhân dân các dân tộc trong vùng tổ chức kháng chiến chống Pháp và trở thành một bộ phận của đội quân Thập Châu. Lực lượng họ Đèo đã sát cánh cùng nghĩa quân Cờ Đen trấn giữ Sơn Tây và lập được nhiều chiến công. Thế nhưng những tổn thất khá lớn sau những trận quyết chiến ấy, cùng với việc thiếu thốn lương thực lại không được tiếp tế kịp thời khiến cho nội bộ chỉ huy nảy sinh nghi kị, thiếu thống nhất. Trong lúc khi đó, lại do sự xúi dục của em trai là Đèo Văn Bảo, Đèo Văn Trì đã kí vào bản hiệp ước ngừng bắn vĩnh viễn với quân Pháp. Được Chính phủ Pháp bảo hộ, lại được hẫu thuẫn về tiền bạc, vũ khí cùng với việc xây dựng lực lượng quân sự (một đội quân binh lên tới 300 tên), đến những năm đầu thế kỉ XIX lực lượng họ Đèo đã trở thành lực lượng lớn mạnh nhất vùng.

Do nhu cầu phòng thủ, nhu cầu đón tiếp các quan chức Chính phủ Đông Dương và để thoả mãn lối sống xa hoa của mình, họ Đèo đã tập chung dân phu, binh lực, thợ thuyền cho việc xây dựng quần thể dinh thự của mình trên nền ngôi nhà cũ của dòng họ Đèo từ lâu đời. Theo kết quả khảo sát năm 1983 của Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Lai Châu cũ thì công trình được bắt đầu xây dựng từ năm 1916. Tất cả các công việc chọn hướng, chọn vị trí đặt cổng chính, miếu thờ, nhà Đẳm đều được họ Đèo thuê thầy địa lí xem xét cẩn thận. Vật liệu được trở bằng máy bay từ miền xuôi lên. Họ Đèo còn thuê 2 kiến trúc sư một người Pháp, một người Trung Quốc về để thiết kế và giám sát. Do vậy, kiến trúc khu dinh thự vừa mang đường nét phương Tây vừa mang dáng dấp phương Đông.

 

Năm 1918, sau 2 năm khẩn trương xây dựng khu dinh thự đã hoàn thành với 8 đơn nguyên chính là: Cổng chính, nhà Đẳm, nhà ăn, nhà xoè, tháp nước, hầm nhốt phạm nhân, miếu thờ ma rừng và một nhà nữa có mặt hình chữ L (nhưng chưa rõ mục đích sử dụng). Ngoài ra còn một số công trình bổ trợ khác như tường bao, cổng phụ, đường xe dẫn lên cổng chính, bậc thềm dài và hẹp dẫn xuống hầm nhốt phạm nhân, kho thóc, bến thuyền, nghĩa địa.

Khoảng những năm cuối thập kỷ thứ hai, sau khi người anh trai là Đèo Văn Kháng ốm chết Đèo Văn Long chính thức trở thành chủ nhân của khu dinh thự. Đây là khu dinh thự lớn nhất miền Tây Bắc lúc đó của một số lãnh chúa phong kiến cùng với các dinh thự Vương Chí Sìn (Hà Giang), Dinh Hoàng A Tưởng (Lao Cai). Việc xây dinh thự diễn ra rất quy mô, tiêu tốn nhiều tiền bạc và có kiến trúc khá đặc sắc.

Sau một thời gian dài chịu nhiều biến động của lịch sử (đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ), sự huỷ hoại của thiên nhiên và sự xâm hại nghiêm trọng của con người, cho đến nay toàn bộ khu dinh thự đã trở thành phế tích. Nhiều công trình đã bị mất hoàn toàn không thể xác định được hình dáng kiến trúc ban đầu.

Với lịch sử tồn tại gần 1 thế kỉ, ngày nay dinh thự Đèo Văn Long đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách khi ghé thăm Lai Châu. Nơi đây trở thành bằng chứng để giáo dục lòng tự hào dân tộc, chứng tích của việc hạ bệ một kẻ độc ác nhưng lại hèn nhát cúi đầu làm nô lệ cho kẻ thù. Không những thế Dinh Đèo Văn Long còn là nơi để tham quan, tìm hiểu những nét kiến trúc hết sức đặc sặc của Văn hoá Thái. Với ý nghĩa lịch sử đó, theo quyết đinh số: 27/QĐ ngày 4/01/1980 dinh Đèo Văn Long được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh ./.

Duyentourism

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 1 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm