NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở LAI CHÂU - HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH TỪ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Cập nhật: 09/08/2011
Được hình thành và tồn tại trong lịch sử phát triển của mỗi dân tộc vùng núi Tây Bắc, nghề thủ công truyền thống ở Lai Châu là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quý giá của mỗi dân tộc. Những sản phẩm được tạo ra chủ yếu là những sản phẩm thủ công, kết quả của bàn tay và khối óc tài hoa của các thế hệ gắn bó với nghề, với làng bản, với cộng đồng.

Phụ nữ Lào may áo thủ công

Những sản phẩm đó đã trải qua bao biến động, đã có những lúc dường như bị chôn lấp, bị quên lãng. Thế nhưng cho tới nay nét độc đáo và những dấu ấn văn hóa truyền thống vẫn tồn tại và ngày càng hiện hữu nhiều hơn trong đời sống người dân.

Có một thực tế là những nghề thủ công truyền thống ở Lai Châu cũng đang gặp không ít khó khăn để đứng vững và phát triển. Sản phẩm làm ra không nơi tiêu thụ, không cạnh tranh nổi với sản phẩm công nghiệp, đời sống của những người làm nghề gặp nhiều khó khăn, có xu hương bỏ nghề và không muốn truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp…

Ở Lai Châu, mảnh đất của 20 dân tộc cùng sinh sống có rất nhiều nghề và những làng nghề truyền thống được lưu giữ, trong đó đặc biệt phải kể đến những nghề như: dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, Lào, Lự…, nghề làm bánh của đồng bào Dáy, nấu rượu của người H’Mông hay nghề mộc, mây tre đan, nghề rèn hay nghề trạm bạc…. Tuy không phát triển trên diện rộng, nhưng những nghề thủ công truyền thống này vẫn đang được một bộ phận không nhỏ đồng bào duy trì và coi như một nghề phụ để tự phục vụ cho cuộc sống. Họ tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để thêu thùa, đan lát. Vì thế, những sản phẩm được tạo ra rất cầu kỳ, đa dạng và thường tốn rất nhiều thời gian, người H’Mông làm xong một chiếc váy phải mất cả năm, người Thái, người Lự dệt xong tấm thổ cẩm cũng cần đến 4, 5 tháng…

Hiện nay, ở một số nơi các làng nghề thủ công truyền thống đã và đang được khôi phục phát triển như bản San Thàng với nghề làm bánh, huyện Than Uyên với các hợp tác xã thổ cẩm tại Nà Cang; xã Sùng Phài, huyện Tam Đường nổi danh với nghề nấu rượu ngô truyền thống, những khung cửi xuất hiện ngày càng nhiều ở bản Hon, bản Nà Luồng, bản Vàng Pheo (Phong Thổ). Hầu hết các sản phẩm thủ công đã được khách hàng ưa chuộng trong đó có một bộ phận không nhỏ là khách du lịch trong và ngoài nước.

Trên một ý nghĩa nhất định, sự tồn tại và phát triển của làng nghề truyền thống ở Lai Châu còn gắn với sự phát triển của hoạt động du lịch hiện tại và tương lai. Với nghề truyền thống sức hấp dẫn với khách du lịch là ở chỗ: nó thể hiện và bảo lưu những giá trị văn hóa dân tộc một cách độc đáo và đặc sắc. Có thể nhận thấy những nét văn hóa ấy từ những điều đơn giản nhất như chất liệu (hầu hết là những nguyên liệu tự có, thuộc văn hóa xóm làng: đất, đá, mây tre, song, gỗ, bông, sợi…) đến kiểu dáng, hay những chi tiết tinh xảo, khéo léo trên các sản phẩm đều truyền tải các sắc thái văn hóa dân tộc. Có thể nói thêm rằng những sản phẩm thủ công truyền thống vừa có giá trị văn hóa, vừa có giá trị kinh tế và chính giá trị văn hóa đã tạo "hồn" sản phẩm làm say lòng du khách. Nhiều du khách nước ngoài đánh giá cao giá trị văn hóa của sản phẩm chứ không phải ở sự đắt tiền hay sang trọng, họ rất thích thú với các sản phẩm thủ công làm bằng tay, chất liệu hoàn toàn Việt Nam và là biểu trưng của mỗi vùng đất mà họ dừng chân.

Để làng nghề thủ công truyền thống đáp ứng được các yêu cầu khai thác hoạt động du lịch cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài trong đó cần chú trọng hơn hết đến việc khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống, tổ chức lại hoạt động của các làng nghề. Cần có những chính sách động viên về vật chất và tinh thần cần thiết cho các nghệ nhân và những người có tay nghề cao như một sự đầu tư lâu dài cho cho việc bảo vệ và khai thác các giá trị văn hóa. Việc nghiên cứu và xây dựng làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch vừa tạo sự đa dạng của chương trình du lịch vừa góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề. Để tăng sức hút với du khách cần có sự tuyên truyền quảng bá về làng nghề và sản phẩm một cách đầy đủ…

Nghề thủ công truyền thống được bảo lưu và phát triển không những góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch, tăng thu nhập cho người dân mà quan trọng hơn nghề truyền thống sẽ lưu giữ và phát huy được những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc./.

 

                                                                                                            Trang Hậu

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 3.17/5 từ 6 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm