Giữa thênh thang đất trời Tây Bắc, trong nhịp lao động hối hả hăng say để đưa Lai Châu thành một đô thị trẻ hiện đại, lòng ta như bâng khuâng, nhẹ nhõm và bình an khi đứng trước Tượng Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lai Châu.
Bác đứng đó thanh tao và trìu mến, an lòng chứng kiến từng tấc đất quê hương mình thay da đổi thịt. Và Lai Châu, mảnh đất biên viễn xa xôi hôm nay đã khiến Bác tự hào. Đồng bào Lai Châu ơn Đảng, ơn Bác. Công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Lai Châu là một minh chứng cho lòng biết ơn đó và hơn thế, công trình này còn như một câu chuyện kể được tạc vào đá, vĩnh hằng với không gian và thời gian.
Từ ý tưởng của tác giả, qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã thể hiện sống động dấu ấn lịch sử tháng 9/1959, khi Bác Hồ tới thăm khu tự trị Thái Mèo tại Thuận Châu (Sơn La), nhiều cán bộ lão thành cách mạng và đại diện đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã vinh dự được gặp Bác. Xung quanh tượng Bác là hình ảnh đại diện các dân tộc Lai Châu đang quây quần, xum vầy bên Bác. “Đoàn kết, đoàn kết,đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” là câu truyện Bác kể ngày hôm đó và đến hôm nay, câu nói ấy được tạc vào đá như một lời hứa sắt son mà bao thế hệ người con Lai Châu giữ gìn. Phía sau tượng Bác, là cụm phù điêu dài 20m, cũng bằng đá nhưng tác giả đã khéo léo kể một câu chuyện dài đầy ý nghĩa. Câu chuyện về Lai Châu xưa và nay, câu chuyện minh chứng cho bao nỗ lực không ngừng của đồng bào Lai Châu trong quá trình gìn giữ và phát triển trên mảnh đất quê hương mình.
Đầu tiên là câu chuyện lịch sử: Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh “Quả bầu mẹ” sinh ra các dân tộc Lai Châu. Thế mới biết người Lai Châu luôn tin rằng: cả người Xá, người Thái, người Lào, người Lự…, cả người Kinh, người Hán đều là anh em một mẹ, phải đoàn kết, đồng lòng. Trong thủa hồng hoang ấy, con người được núi rừng che chở, sống trong lòng đất mẹ, ăn thức ăn của rừng. Rồi dần dần, anh em tìm thấy nhau, trên phù điêu đã thấy những hình ảnh thể hiện sự gặp gỡ. trao đổi, mua bán. Khi kể về lịch sử Lai Châu, tác giả không quên thể hiện một mốc lịch sử quan trọng vào đầu thế kỷ 15. Đó là vào năm 1431 -1432 sau khi vua Lê Lợi thân chinh đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Đèo Cát Hãn, trên đường đại quân hồi kinh, nhà vua có làm bài thơ cho khắc trên vách núi Pú Huổi Chỏ. Dấu tích còn lại là tấm bia đá mang tên ông vẫn tồn tại ngay bên tả ngạn sông Đà (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ). Năm 1909 khi tỉnh Lai Châu chính thức được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Lai Châu cùng với quân dân cả nước đi đến hết thắng lợi này, đến thắng lợi khác. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ là một hình ảnh đẹp mãi, sống mãi trong lòng bao thế hệ người con Lai Châu. Câu chuyện về lịch sử vẫn để ngỏ bằng hình ảnh đồng bào Lai Châu vẫn đang hăng say lao động sản xuất,một thành phố trẻ vẫn ngày đêm phát triển không ngừng.
Tiếp nối là câu chuyện Văn hoá: Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hoá độc đáo riêng trong cái nôi văn hoá miền núi rừng Tây Bắc. Hình ảnh đôi trai gái người Thái với cây đàn Tình Tẩu dưới những nếp nhà sàn, hạnh phúc, vui vẻ bên con suối tình yêu; chàng trai Mông ngây ngất với điệu khèn của chính mình, bà mẹ Dao cặm cụi từng đường kim mũi chỉ, hàm răng đen cô gái Lự cười toả nắng đến chợ phiên.… những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ đặc sắc này được tác giả khắc hoạ vô cùng tinh tế trên khối đá vô hồn, tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu của văn hoá Lai Châu…
Để kể về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào Lai Châu, tác giả đã mượn ý nghĩa của một câu Ngạn ngữ Thái: “Xá ăn theo lửa. Thái ăn theo nước. Mông ăn theo sương mù”. Câu ngạn ngữ nói về tập quán sản xuất và cư trú của đồng bào các dân tộc Lai Châu. Hầu hết đồng bào đều làm nông nghiệp với những tập quán canh tác khác nhau. Nhưng dù ở đâu, đến Lai Châu ta luôn bắt gặp nụ cười vui vẻ, dù lao động có mệt nhọc, vất vả.
Những công trường tấp nập với xe tải, xe ben nối đuôi nhau đang viết tiếp câu chuyện cho thành phố Lai Châu trẻ trung, hiện đại. Hình ảnh dòng sông Đà hùng vĩ, luôn gắn liền với văn hoá, sinh hoạt của đồng bào Lai Châu, giờ đây còn đem đến nguồn ánh sáng bất tận của tương lai. Đồng bào Lai Châu luôn một lòng đoàn kết, cùng nhau viết tiếp câu chuyện cho một quê hương giàu đẹp nhưng không bao giờ quên đi truyền thống văn hoá bao đời của mình. “Lai Châu măng đắng, tắm truồng” vẫn là hình ảnh không thể quên khi đến với nơi đây.
Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lai Châu giờ đây trở thành một điểm tham quan, tìm hiểu lý thú cho khách du lịch. Với vật liệu hoàn toàn bằng đá, tưởng chừng như thô cứng, cục mịch, nhưng những hình ảnh, những câu chuyện được thể hiện trên phù điêu lại rất sâu và mang nhiều ý nghĩa, trở thành một bài học lịch sử dễ nhớ nhất và vĩnh hằng nhất cho mọi thế hệ con cháu mai sau.