NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Nghề dệt dân tộc Lự

Cập nhật: 05/01/2013
Nghề dệt rất được người Lự coi trọng và xem đó như là thước đo sự khéo léo, là tiêu chuẩn đánh giá vai trò của một người phụ nữ trong gia đình, trong bản.
Nghề dệt của dân tộc Lự vẫn được bảo tồn và giữ gìn.
 
Đa số phụ nữ Lự đều thành thạo trong việc thêu thùa, dệt vải. Theo truyền thống, trước khi lấy chồng người phụ nữ phải thành thạo công việc may vá, thêu dệt. Trong mỗi hộ gia đình người Lự đều có khung dệt và các dụng cụ xe sợi, quay sợi dệt vải. Nguyên liệu để dệt là bông, có thể trồng tại nhà sau đó họ xe thành sợi rồi dệt thành những mảnh vải với nhiều khổ vải khác nhau. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại và hoạ tiết hoa văn rất độc đáo. Váy của người phụ nữ Lự được trang trí hoạ tiết hoa văn với những đường viền thêu ngang váy, hoa văn hình răng cưa màu vàng, đỏ và nâu. Trên váy thường phân chia thành 3 gam màu chính đó là màu đỏ nâu ở phía trên cạp xuống phía đầu gối, trên khoảng này có các đường thêu viền ngang màu vàng, xanh, đen…Tiếp xuống phía dưới gấu váy là màu váy đen với các đường thêu chạy ngang xung quanh váy được bài trí một cách hài hòa.
Áo của người phụ nữ dân tộc Lự cũng rất khác biệt, họ may chiếc áo theo kiểu áo xẻ nách chéo, đường viền cổ áo là một dải thêu thùa, khổ rộng có trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn hình quả chám và các hình thêu chân chim với nhiều màu sắc. Trong tà áo truyền thống, những nét đẹp của người phụ nữ Lự càng được thể hiện một cách tự nhiên, đầy nữ tính. Mỗi khi có du khách đến thăm nhà, người Lự chọn cho mình những bộ trang phục mới và đẹp nhất để đón khách, điều đó thể hiện sự hiếu khách và cũng là truyền thống tốt đẹp được gìn giữ qua nhiều thế hệ của người Lự.
Ngoài dệt quần áo, váy ra thì sản phẩm dệt của người Lự hiện nay còn có các loại túi, khăn, địu….những túi đeo do phụ nữ người dân tộc Lự làm ra là một sản phẩm rất có giá trị cả về thẩm mĩ và giá trị truyền thống. Các loại túi này được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn, các nhúm bông với đủ các màu sắc rực rỡ. Du khách có thể chọn lựa cho mình những sản phẩm ưng ý để làm quà, làm kỉ niệm với mức giá cả rất phù hợp. Bên cạnh đó, các đồ dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như chăn, ga, gối cũng được bàn tay khéo léo của người phụ nữ Lữ thêu dệt với nhiều mẫu mã rất bắt mắt.
Tại Bản Hon (huyện Tam Đường), người dân vẫn tự dệt và mặc những trang phục truyền thống trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu có dịp ghé thăm Bản Hon, du khách sẽ nghe thấy ngay những âm thanh kĩu kịt phát ra từ những khung cửi khi vừa mới bước chân đến đầu bản. Hình ảnh của các cô thiếu nữ Lự mặc trên mình bộ trang phục truyền thống ngồi cặm cụi bên khung cửi là một hình ảnh đẹp và để lại những ấn tượng trong lòng du khách. Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn và phát huy nghề dệt của dân tộc Lự cũng đang được quan tâm, cũng tại Bản Hon đã có nhiều lớp dạy nghề dệt cho thế hệ trẻ, đây là thế hệ kế cận và trực tiếp phát huy và gìn giữ những tinh hoa nghề dệt của dân tộc mình. 
Nghề dệt của người dân tộc Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác, nhân rộng làm sản phẩm du lịch đặc trưng cho dân tộc Lự nói riêng và đặc trưng của du lịch Lai Châu nói chung, góp phần đẩy mạnh phát triển phong phú thêm sản phẩm du lịch tại địa phương, cải thiện đời sống của bà con và bảo lưu các giá trị truyền thống của dân tộc./.
 
Nguyên Minh
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm