Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban – Măng Đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món Măng nộm hoa ban.
Măng và Hoa ban
Cái tên gần như đã nói lên cả nguyên liệu và cách chế biến món ăn này, nhưng để có được món Măng nộm hoa ban như của người Thái ở Lai Châu, ngoài sự khéo léo từ đôi bàn tay của người chế biến thì khâu chọn nguyên liệu cũng hết sức quan trọng.
Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi. Ăn rồi lại muốn ăn thêm nữa.
Măng nộm Hoa ban
Du xuân trong những ngày đầu năm ở Lai Châu, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị mùa xuân núi rừng, mà còn được hoà mình trong không khí lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Thanh Huyền