NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

ẤN TƯỢNG SAN THÀNG

Cập nhật: 17/07/2014
Là nơi cư trú của khoảng 70 hộ gia đình tộc người Giáy với những nét văn hóa đậm đà bản sắc, cùng với kiến trúc cảnh quan rất đặc trưng và với vị trí là cửa ngõ của thành phố Lai Châu có thể kết nối với điểm tham quan Tả Lèng và bản du lịch cộng đồng Bản Hon, Bản San Thàng I đang trở thành một trong những bản du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với du khách cả trong và ngoài nước.
Đá làm tường rào quanh nhà, quanh lối đi - Tác giả: Thái Hà
 
Trong tiếng Quan Hỏa, San Thàng nghĩa là mảnh đất có 3 cái ao lớn. Theo lời kể của những cụ già trong bản thì từ khi ông cha họ, những người Giáy đầu tiên đến đây khai khẩn lập bản, nơi đây có 3 cái ao lớn. Chúng có vai trò rất quan trọng đối với đời sống sinh hoạt và các hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản của bà con nơi đây. Và tên bản San Thàng cũng bắt nguồn từ đó. Do quá trình phát triển của đời sống xã hội cái tên San Thàng được đặt thành tên chung cho cả xã, còn bản San Thàng I là một bản trung tâm, nơi khởi nguồn và cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều nhất bản sắc văn hoá của tộc người Giáy nơi đây.
 
Điều ngạc nhiên cho mỗi du khách lần đầu tiên đến đây là bản có rất nhiều đá. Đá dưới suối, đá trong vườn, đá ngoài ruộng, đá làm tường rào, đá làm đường đi, đá lát sân, lát cổng,.. toàn là những hòn đá cuội tròn to bằng quả bưởi, bằng cái nồi cơm điện và to hơn thế nữa. Những hòn đá được bà con bày xếp một cách gọn gàng như thể nâng niu như những quả trứng trông thật ký thú. Do vậy, thời  kỳ trước đây, khu vực bản San Thàng I ngày nay được gọi với cái tên dân dã là bản Phố Đá. Bản dựng trên nền đất cằn cỗi toàn đá là đá. Điều đó cho chúng cảm nhận thấy phần nào tính cách cũng như sự quyết tâm khắc phục khó khăn, cải tạo tự nhiên và ý thức vươn lên trong cuộc sống của tộc người Giáy, khiến chúng ta càng thêm cảm phục họ.
 
Đoàn khảo của sở VH, TT và DL, phòng VH-TT thành phố đánh giá tiềm năng du lịch tại bản
 
Đến bản, du khách có thể được thưởng thức những đặc sản rất đặc trưng của dân tộc Giáy được chế biến từ gạo và ngô. Có thể kể tên ra đây một vài món quà vặt như bánh bò, bánh giầy, bánh bỏng, bánh khảo, bánh rán hay các món ăn sáng như phở chua, bánh bột lọc dong riềng… Điều đáng nói là các công đoạn chế biến thực phẩm của bà con là đều bằng thủ công, không có chất bảo quản và các chất phụ gia độc hại. Đó là những bí quyết được lưu truyền và tích lũy từ đời này sang đời khác. Chỉ một miếng bánh bỏng đơn giản nhưng để làm ra sản phẩm này đòi hỏi nhiều công đoạn công phu: thóc nếp lấy từ ruộng về phơi khô, quạt sạch, xay, giã tách vỏ trấu và lớp vỏ cám rồi ngâm, đồ thành xôi. Xôi nguội, lại phơi nắng cho vừa đủ tách từng hạt xôi, sau đó cho vào cối giã. Xôi giã xong lại phơi thật khô, sau đó rang bung lên như cốm rồi cô đường, trộn lại… Những món như bánh khảo, bánh bò… cũng công phu chẳng kém. Những sản phẩm này cũng được bà con bày tại mỗi phiên chợ San Thàng.
 
 
Chợ phiên San Thàng
 
Chợ phiên San Thàng cũng là một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua. Chợ là nơi gặp gỡ giao lưu văn hoá, trao đổi nông sản vật của nhân các dân tộc Giáy, Mông, Giao, Thái, Lự, Kinh,.. Dù nằm cách thành phố Lai Châu không xa, song chợ phiên San Thàng vẫn giữ được những nét riêng biệt và đặc trưng của một phiên chợ vùng cao. Lung linh trên khăn, túi, áo, quần, váy con gái người Dao, người Lự; dập dờn cánh bướm khuy áo bạc thiếu nữ Thái; chúm chím nụ cười của cô gái người Mông... tất cả đã tạo lên một chợ phiên gần gũi, đặc sắc. Họ mang đến chợ những sản vật kiếm được từ núi rừng như măng, củ mài, mật ong, mắc khén,…  những hàng nông sản như gạo, ngô, rau, gà, vịt, lợn cắp nách,…  hay những sản phẩm nghề truyền thống: khăn, vải, hương, ghế mây tre đan. Chợ phiên San Thàng còn là nơi để đồng bào đến gặp gỡ, thăm hỏi và kết giao. Đồng bào coi mỗi phiên chợ như là một ngày hội, các chàng trai cô gái thì luôn chờ đón phiên chợ trong sự rạo rực, phấn khích. Biết bao nhiêu những mối tình nồng thắm trên rẻo cao đã được bắt nguồn từ những phiên chợ như thế này. Chợ còn là nơi gắn kết đồng bào các dân tộc, là dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Đến với chợ phiên San Thàng, du khách sẽ cảm nhận được rõ nét những sắc màu văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây. Giờ đây chợ ngày nào cũng họp, nhưng vào thứ năm và chủ nhật thì chợ bỗng trở nên đông vui và nhộn nhịp hơn hẳn với đầy đủ những sắc màu của chợ phiên vùng cao.
 
Nghề làm bánh ở San Thàng nổi tiếng khắp vùng 
 
Một trong những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Giáy ở San Thàng là các lễ hội truyền thống. Trong một năm đồng bào Giáy có tới 7 lễ, hội lớn, tiêu biểu như các lễ: cầu mùa, cúng trâu, cúng ruộng, cơm mới… Mỗi lễ, hội đều mang một màu sắc văn hoá, một ý nghĩa tâm linh khác nhau nhưng đặc trưng và quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Giáy là lễ hội Tú Tỉ (cúng thổ địa) với ý nghĩa cầu mong thần thổ địa của bản phù hộ cho bà con dân bản được an lành, khỏe mạnh và mùa màng tươi tốt, trâu bò không mắc bệnh, dịch... Người Giáy quan niệm, vào thời điểm tháng 2 âm lịch chính là lúc trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, là khoảng thời gian linh thiêng nhất và  lễ hội Tú Tỉ được tổ chức vào thời điểm này. Lễ vật được quy định là 1 con lợn, 2 con gà khỏe mạnh. Nơi tiến hành nghi lễ cúng thần thổ địa là gốc cây đa đầu làng. Theo quy định, mỗi gia đình chỉ được cử một người đàn ông có mặt tại bàn thờ lễ. Thầy Mo uy tính của vùng sẽ được mời để cúng cho dân bản. Đây là khu vực linh thiêng của bản với nhiều điều cấm kị khắt khe: Người vào khu vực cúng không được mặc đồ có màu sáng, áo cộc tay vì người Giáy quan niệm mặc như thế lúa sẽ chết trắng đồng, nhà cửa bị cháy. Đặc biệt khu vực linh thiêng này cấm phụ nữ không được vào, đàn ông mà vợ đang mang thai cũng không được xuất hiện ở đây. Nếu ai vi phạm sẽ bị dân bản phạt toàn bộ số tiền lễ vật, để làm lễ cúng lại. Sau các nghi lễ bắt buộc thì sẽ diễn ra các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, thi làm bánh,… Đây là phần thu hút rất đông đảo các du khách đến để thưởng thức, cổ vũ và có thể trực tiếp tham gia vui chơi.
 
Bản San Thàng I độc đáo là vậy, hấp dẫn thú vị là vậy nhưng cái vốn quý nhất của bản San Thàng I vẫn là sự nhiệt tình và mến khách. Dù bạn là người quen hay du khách lần đầu tiên đến với miền đất này, bà con trong bản vẫn luôn chào đón với một tình cảm nồng ấm để những ký ức tốt đẹp về miền đất này sẽ mãi đọng lại trong lòng mỗi du khách.
Trọng Văn
 
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm