Như đã thành thông lệ, cứ vào sáng Chủ nhật hàng tuần, bà con các dân tộc quanh vùng lại nô nức kéo về chợ để sum họp. Khi trời còn tang tảng sáng, từ khắp các nẻo đường, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng chân ngựa, tiếng đàn môi, tiếng cười nói đã xôn xao, náo nức trên khắp các lối mòn. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo sắc sỡ bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người dắt ngựa, hàng hóa đa dạng và phong phú. Tất cả đều đổ dồn về chợ phiên như một điểm hẹn.
Chợ họp ngay ở trung tâm thị trấn Sìn Hồ, mang trong mình nhiều nét độc đáo truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây. Rất dễ để có thể nhận ra, ở chợ phiên Sìn Hồ, người bán người mua tấp nập, rất vui vẻ, không hề có sự bon chen hay tranh giành giá cả như hoạt động ở các chợ khác. Tại chợ luôn hiện lên sự hồn nhiên, mộc mạc, ít mánh khóe toan tính trong thói quen mua bán của những cư dân vùng cao này. Họ mua hàng thường quan tâm tới chất lượng, hoặc sở thích. Nếu ưng một món đồ nào đó, thường họ xem rất kỹ sau đó mới hỏi giá, nếu giá hơi cao so với túi tiền, họ có thể trả thấp hơn một chút, nhưng nếu chất lượng món đồ làm vừa lòng họ, họ cũng không hề mặc cả. Điều đó có thể coi như là một nét đẹp mà không phải ở đâu cũng có.
Những sản phẩm, hàng hóa được mang đến trao đổi ở chợ đôi khi cũng chỉ là một vài mớ rau, một ít mận, mấy bắp hoa chuối rừng, vài lít rượu hoặc một vài chai mật ong, một đôi lợn cắp nách hay mấy con gà chạy bộ, bên cạnh đó còn có cua đá, các loại phong lan, lá thuốc, thảo dược và các loại rau củ đặc trưng ở Sìn Hồ… Bán được hay không gần như không mấy quan trọng. Có người đi cả ngày đường đến chợ chỉ để mua một đôi dép, cân muối hoặc một vài nhu yếu phẩm cần thiết khác. Cũng có người chỉ đi bán một con gà, hoặc đơn giản chỉ ăn một bát phở. Tất nhiên cũng không hiếm những người chỉ đến vì mục đích đi chơi hay gặp lại bạn bè, người thân như để gặp gỡ và trao đổi, học hỏi cách làm ăn.
Thường thì chợ phiên Sìn Hồ nhộn nhịp nhất vào khoảng 8 giờ sáng. Chỗ này người Kinh mua các sản vật địa phương, chỗ kia người Dao, người Mông túm tụm bên chai, lọ, kim, chỉ... Nhắc đến chợ phiên Sìn Hồ, không mấy ai lại không nhớ đến nồi thắng cố, bát phở chua đậm đà hương thảo quả hay bát rượu ngô để rồi cùng ngồi lại với nhau khiến người uống lúc nào cũng lâng lâng, say mà vẫn tỉnh, tỉnh mà vẫn say.
Bên cạnh việc thông thương hàng hóa, chợ phiên Sìn Hồ còn là nơi gặp gỡ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Mỗi phiên chợ đều được bà con các dân tộc xem như ngày hội. Mỗi người đều chọn cho mình những trang phục đẹp nhất, mới nhất. Đến chợ, mọi người còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ qua các trang phục đặc trưng riêng của từng dân tộc. Nơi đây được xem như bức tranh sống động nhất về trang phục đặc sắc của các dân tộc, bởi sự đa sắc của những chiếc váy xòe người Mông, bởi khăn áo ngũ sắc truyền thống của người Dao...Tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc vô cùng đẹp mắt. Không chỉ vậy, từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục của đồng bào dân tộc ở đây vô cùng tinh xảo, cầu kỳ, màu sắc kết hợp hài hòa tạo nét riêng cho mỗi dân tộc. Bên cạnh đó, chợ Sìn Hồ còn là nơi hẹn hò gặp gỡ của biết bao chàng trai cô gái người dân tộc. Qua tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn môi, kèn lá, qua những bát rượu Mông Kê ướp men lá rừng, qua chén trà xanh hương thơm ngào ngạt… rất nhiều người trong số họ đã nên vợ thành chồng.
Ngoài chợ phiên Sìn Hồ nếu du khách có dịp đến với vùng đất này còn được tham quan các bản làng dân tộc quanh vùng như bản Tả Phìn của người Dao, bản Xà Dề Phìn của người Mông...để tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Hay khám phá núi Đá ô, động Ông tiên, những ngôi nhà mái đá đen truyền thống...để rồi mỗi du khách sẽ không quên lưu lại cho mình những bức hình, những góc máy ưng ý nhất.
Hãy đến với Sìn Hồ để được đắm mình trong những nét đẹp truyền thống trong buổi chợ phiên Sìn Hồ cùng những giá trị về văn hóa tinh thần đó đã và đang được địa phương chọn lọc, duy trì và phát triển. Nơi đây thực sự là một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu nét văn hóa vùng cao, du khách hãy đến và cảm nhận./
Lê Tranh