NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu      

Một lần đến Tả Phìn

Cập nhật: 01/07/2015
Chúng tôi đến Tả Phìn vào một ngày cuối tháng Năm khi cái nóng nực mùa hè đang bủa vây khắp chốn. Xa xa, Tả Phìn ẩn hiện giữa những tán cây xanh, thấp thoáng bóng mái ngói đen nhỏ bé dưới chân núi. Một cảm giác mát mẻ, dễ chịu lạ thường. Cách thị trấn Sìn Hồ chừng 5km, Tả Phìn đang là một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ và cuộc sống văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao Khâu ở Lai Châu.

                                                                                                                    


Người Dao ở Tả Phìn vẫn  lưu giữ những phong tục, nếp sống văn hóa truyền thống từ lâu đời, từ nhà ở, trang phục, nghề truyền thống... không hề bị mai một theo thời gian. Theo chân những người dân mến khách, chúng tôi lên thăm núi Đá Ô, một thắng cảnh có tiếng và là nơi linh thiêng đối với người dân Tả Phìn. Được biết, vào đầu năm mới, cả người Dao và người Mông đều đến đây thờ cúng để cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Rời núi Đá Ô, đoàn chúng tôi được dẫn đi thăm một vòng quanh bản, để khám phá khung cảnh thanh bình đang hiện ra trước mắt. Nhà ở của người Dao khâu thoạt nhìn khá đơn giản. Nhà trệt, lợp mái ngói, mái đá đen, hòa vào màu vàng nâu của đất trình tường, pha với đám củi gỗ xám mốc, lẫn màu rêu phong của tường rào xếp đá cuội xung quanh... tất cả tạo thành một không gian khá cổ kính, mộc mạc nhưng rất đẹp về kiến trúc. Ở đây, nhà nào cũng trồng Mắc cọoc một thứ cây ăn quả đặc sản của vùng Sìn Hồ. Vào mùa này, mắc cọoc đang sai trĩu cành, nhưng quả vẫn còn xanh. Trước sân, giàn su su tốt um tùm, lủng lẳng những quả lớn, bé thật ngon mắt. Đầu gõ, những cây mận chua quả đã chín vàng, rụng đầy dưới gốc. Bụi hoa rum tươi tốt, bung hoa trắng muốt, kiêu sa chẳng kém mấy giò lan rừng nở muộn. Bà mẹ Dao Khâu đeo đôi mắt kính dày vừa cặm cụi thêu thùa, vừa trông chừng mấy đứa trẻ con chạy nhảy ngoài sân... Đó là những hình ảnh thật đẹp, thật giản dị mà đoàn chúng tôi ai cũng mê mải thu vào ống kính của mình. Chỉ ngồi trò chuyện về hoa văn thổ cẩm, về những lá bùa may mắn, về tục cưới xin, về các món ăn, rồi cả cách người Dao đặt tên cho con trẻ... cũng khiến chúng tôi thích thú vô cùng.


Chúng tôi ấn tượng với người Dao ở tả Phìn không chỉ bởi họ vô cùng hiếu khách mà còn bởi đức tính chăm chỉ và khéo léo. Phụ nữ hầu hết ai cũng biết may vá, thêu thùa. Những hoa văn thổ cẩm rực rỡ, tinh xảo mang đầy ý nghĩa về thới giới quan, cả tâm linh và những mơ ước đơn giản trong cuộc sống đều được phụ nữ Dao thêu lên trang phục. Đàn ông thì có nghề rèn đúc và nghề chạm bạc. Đoàn chúng tôi đến thăm một gia đình có nhiều đời làm nghề rèn trong bản. Cũng là một căn nhà nhỏ với tường đất và mái ngói, lò rèn được gia chủ đặt ngay trước sân. Giữa cái nắng trong vắt của ngày hè, tiếng bễ thổi lửa dập dồn theo hơi thở, tiếng búa đập chan chát vào sắt nóng, ánh lửa lập lòe soi bóng mình qua lớp mồ hôi trên vai, trên lưng người thợ rèn đang làm hối hả. Công việc này khá nặng nhọc không chỉ đòi hỏi sức lực mà còn cả sự hăng say và khéo léo. Không chỉ rèn đúc, nghề chạm bạc của người Dao Khâu cũng khá nổi tiếng ở vùng này. Từ những đồng bạc trắng, qua rất nhiều công đoạn người thợ bạc làm ra nhiều những món đồ trang sức bạc tinh xảo và rất có giá trị. Sản phẩm chạm bạc chủ yếu là vòng tay đầu rồng, vòng cổ, nhẫn bạc, trâm cài, các món đồ trang sức cho cô dâu trong ngày cưới... Những sản phẩm tốt nhất được mang bày bán tại chợ huyện, không chỉ bán cho người Dao mà người Mông, người Lự, người Kinh... cũng rất ưa dùng. Cùng với những nghề truyền thống, người Dao Khâu ở Tả Phìn cũng có vốn kiến thức về các loại cây thuốc tự nhiên rất quý báu. Nhiều bài thuốc, vị thuốc quý được các thế hệ truyền dạy, lưu giữ có thể chữa được nhiều bệnh tật và rất tốt cho sức khỏe. Chúng tôi nói với nhau rằng, với những thế mạnh về nghề thủ công truyền thống và những tri thức về cây thuốc của người Dao chắc chắn sẽ thành một điểm nhấn để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn cho Tả Phìn.  


Rời bản, đoàn chúng tôi đi bộ theo con đường mòn hơn 1 cây số để thăm hang động Ông Tiên. Nhũ đá trải dưới nền động như thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ. Hơi nước lan tỏa từ những nhũ đá muôn hình vạn dạng, chỉ có tiếng hơi thở và tiếng tí tách của giọt nước vang vào trong đá khiến không gian mờ ảo và huyền bí lạ thường. Hang động Tả Phìn không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là một nơi có nhiều giá trị nghiên cứu và khảo cổ với rất nhiều bí ẩn, hấp dẫn đang chờ được khám phá.


Buổi chiều ở Tả Phìn thật đẹp. Cơn gió mát lành khẽ đưa mây trắng ở đâu về phủ kín bầu trời. Mặt trời cố len lỏi xuyên ánh sáng qua đám mây, tạo thành những vệt nắng cuối ngày bám vào sườn núi. Chúng tôi thích thú tận hưởng cảm giác se lạnh giữa ngày hè. Khi cơn mưa nhẹ đổ xuống, cũng là lúc chúng tôi phải chia tay Tả Phìn. Những cái bắt tay thật chặt, nụ cười mộc mạc và ánh mắt ấm áp của bà con bỗng dưng trở thành hành trang theo chúng tôi đi tiếp những chặng đường phía trước. Với riêng tôi, một ngày ở Tả Phìn trôi qua thật nhanh và nhiều cảm xúc, chắc chắn tôi sẽ không thể nào quên những trải nghiệm mới mẻ và thú vị ngày hôm nay. Để Tả Phìn có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn mọi du khách cũng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Nhưng với những thế mạnh và giá trị du lịch hấp dẫn riêng có của mảnh đất này, tôi có một niềm tin vào tương lai tươi sáng của du lịch Tả Phìn./.

                                                                                               Minh Châu

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm