Tục buộc chỉ cổ tay hay lễ buộc chỉ cổ tay là một nét đẹp văn hóa lâu đời mong muốn cầu mọi sự bình an của dân tộc Thái, lễ buộc chỉ cổ tay được diễn ra trong nhiều dịp và mang những ý nghĩa khác nhau về tâm linh. Có ba màu chỉ được buộc trong dịp lễ là màu đỏ, màu trắng và màu đen.
Chỉ đỏ được buộc cổ tay cho khách lữ hành (có thể là những người thân, bạn bè của gia chủ hay khách du lịch ghé thăm bản làng...), cầu chúc cho khách đến với bản vui vẻ, khoẻ mạnh, vượt qua được mọi gian lao, trở ngại. Đối với các cặp vợ chồng mới cưới làm lễ buộc chỉ cổ tay để cột chặt hồn vía cặp vợ chồng trẻ, cầu mong sau này họ sẽ có cuộc sống hạnh phúc, sớm có con, công việc làm ăn trôi chảy. Đối với những người mới ốm hoặc gặp phải những biến cố không may mắn trong cuộc sống làm lễ buộc chỉ cổ tay với mong muốn chóng hồi phục sức khỏe, mọi chuyện qua đi suôn sẻ.
Chỉ đen được buộc trong dịp đầy tháng của trẻ nhỏ bởi trẻ mới sinh yếu bóng vía khi đó người lớn trong gia đình sẽ làm lễ buộc chỉ cổ tay. Hoặc những người bị bệnh tật kéo dài bị cho là hồn vía đi xa, chơi không biết đường về nên dùng chỉ đen cột cổ tay. Đối với các nhà có chuyện buồn, tang sự thì sau đám tang, người Thái cũng làm tục buộc chỉ đen cổ tay để cầu hồn vía cho người thân được yên nghỉ.
Chỉ trắng thường buộc cho các thành viên trong gia đình khi có đám tang, sau đó chỉ trắng được tháo ra và chôn cùng quan tài người đã khuất để thể hiện linh hồn người đã mất không cô quạnh.
Theo quan niệm xưa thì đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì những con người đó sẽ không còn tồn tại đích thực trên trần gian, hoặc trong trường hợp người đó bị lạc đi vài vía thì sẽ sống không yên ổn, có thể bị gặp ốm đau, tai họa... Vì vậy mà sau khi thầy đặt cuộn chỉ lên bàn thờ làm lễ xin ban cho quyền năng của thế lực siêu nhiên nhập vào cuộn chỉ để phù trợ cho con người, cuộn chỉ được mang xuống buộc cổ tay, đối với nam giới thì chập bảy sợi chỉ lại rồi buộc vào bên tay trái; đối với nữ giới thì là 9 sợi chỉ buộc vào bên tay phải, có như vậy thì người được buộc mới giữ được vía luôn mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn.
Lễ buộc chỉ cổ tay không chỉ cho thấy rõ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái mà bên cạnh đó còn thể hiện sự thân thiện, hiếu khách khi đến thăm bản. Có thể đó cũng là một phần lí do vì sao du khách đến với các bản cộng đồng người Thái thường lưu luyến khi rời đi và quay lại ghé thăm khi có dịp.
Bài; ảnh: Thanh Huyền