NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Nơi hội tụ sắc màu văn hóa Lai Châu

Cập nhật: 10/03/2021
Những phiên chợ vùng cao luôn là không gian để trải nghiệm văn hóa độc đáo và giàu cảm xúc đối với khách du lịch khi đến với các địa phương miền núi. Chợ đêm San Thàng ở TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu là một điểm hẹn thú vị như vậy, nơi lưu giữ và phát huy được nhiều nét văn hóa của gần 20 dân tộc anh em trong tỉnh, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của cả người dân địa phương lẫn khách du lịch.

Một tiết mục giao lưu văn nghệ tại chợ đêm San Thàng.

Chợ phiên San Thàng có quy mô lớn nhất ở TP Lai Châu, nổi tiếng đã lâu là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa và sinh hoạt cộng đồng giữa người dân địa phương, và cả một số huyện của các tỉnh lân cận. Chợ còn có tên khác là chợ Tam Đường "đất", người địa phương gọi như vậy do thời trước, đây là trung tâm của cả vùng, mọi con đường đều đi qua nơi đây, hầu hết là đường đất và thường dùng ngựa để thồ hàng. Đó là phiên chợ ban ngày, còn chợ đêm San Thàng hiện nay là mô hình mới được xây dựng trên cơ sở các giá trị văn hóa của khu chợ truyền thống đã có, có thể ví như khoác lên tấm áo mới đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Đi chợ đêm, mọi người có thể vừa mua sắm, ăn uống, vừa thưởng thức nghệ thuật dân gian, giao lưu và tìm hiểu về con người, văn hóa... Từ giữa tháng 12-2019, UBND tỉnh Lai Châu có chủ trương và đồng ý kế hoạch tổ chức Chợ đêm San Thàng của TP Lai Châu, diễn ra vào tối thứ bảy hằng tuần, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch tỉnh.

Chợ nằm cách trung tâm thành phố chừng 5 km, ngay trên quốc lộ 4D, thuận tiện đi lại. Từ cổng chợ, giai điệu của bài hát "Chợ phiên Lai Châu" vang lên rộn ràng, mời gọi. Chợ được xây dựng đơn giản nhưng ngăn nắp, thoáng đãng và sạch sẽ. Có hai khu vực tham quan với hơn 80 gian hàng ẩm thực, nông sản, thủ công mỹ nghệ... được nối với nhau bằng cây cầu nhỏ vắt qua dòng suối. Hấp dẫn nhất phải kể đến khu ẩm thực, nơi chế biến và bày bán những món ăn độc đáo nức tiếng của đồng bào các dân tộc, như: Phở nhắng, thắng cố, thịt khô, bánh dầy, bánh rán, khâu nhục, ngô bung... Bên những quầy đồ nướng hoặc nồi thắng cố sôi sùng sục, thơm lừng, thực khách quây quần thưởng thức trong tiết trời se lạnh của buổi đêm, trò chuyện rôm rả. Ngoài ra, chợ còn có các loại đồ uống đặc sản địa phương như nước lá nhảy, trà la hán, a-ti-sô, nụ hoa tam thất... và có đóng gói để khách mua về làm quà.

Một đặc trưng khác của chợ vùng cao đó là khu bán các sản phẩm thủ công, thời trang, mang đậm bản sắc dân tộc do bà con tự làm, như váy áo thổ cẩm, khăn, túi thêu, vòng tay, khuyên tai kim loại, đồ mây tre đan... Những sắc mầu rực rỡ, những âm thanh leng keng... tạo nên bức tranh thật sinh động. Dù có mua hàng hay không, nhiều người khách vẫn tranh thủ chụp những tấm hình lưu niệm, thoải mái xem hàng và còn được người bán tận tình hướng dẫn cách mặc, cách dùng.

Và trong suốt cả buổi họp chợ, luôn có tiếng đàn, tiếng hát vang vọng từ khu sân khấu ngoài trời, nơi trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố trong vùng. Anh Bùi Đức Phong, cán bộ văn hóa xã San Thàng cho biết: "Mỗi tuần, chương trình văn nghệ ở chợ lại khác nhau, không trùng lặp. 15 đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố duy trì tập luyện và đóng góp các màn diễn cho chợ đêm, cũng như các dịp lễ, Tết của địa phương. Sau hơn một năm hoạt động, chợ đêm trở thành một địa chỉ sinh hoạt, giao lưu văn hóa cuối tuần được người dân, du khách yêu thích và ngày càng được mở rộng hơn. Trước đây chỉ có các tiết mục của xã San Thàng thì nay đã có thêm nhiều xã của huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ... tham gia". Nhiều tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, chất lượng, được người xem hưởng ứng nhiệt tình mỗi khi biểu diễn, như: "Em may áo mới" (dân tộc Giáy, xã San Thàng), "Âm sắc bản em" (dân tộc Thái, phường Quyết Thắng), "Dệt bông bản Lự" (dân tộc Lự, xã Bản Hon, huyện Tam Đường), "Tiếng chuông bản Dao" (dân tộc Dao, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ)... Không chỉ được nghe, xem sắc mầu văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa, người đi chợ còn có dịp giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ, cùng tham gia múa sạp, vòng xòe đoàn kết sôi động đến tận khuya. Mặc dù đã được sân khấu hóa, nhưng sinh hoạt văn nghệ ở chợ đêm vẫn tạo ra một môi trường để bảo tồn các giá trị mang tính di sản dân gian đang có nguy cơ mai một, như dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, phong tục tập quán... Đồng thời, mang đến cơ hội để mọi người dân cùng tham gia, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như nhiều địa phương khác, chợ đêm San Thàng bị gián đoạn nhiều lần để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đây vẫn là một điểm sáng về du lịch của Lai Châu, một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn nhưng giàu tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử, sinh thái. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lai Châu Trần Văn Long, mỗi đêm chợ có thể đón từ 1.500 đến 2.000 khách và tương đối đều, ổn định. Một số địa bàn có cùng điều kiện trong tỉnh cũng quan tâm và mong muốn học hỏi, nhân rộng mô hình này. Chợ đêm San Thàng không chỉ tạo điểm nhấn đặc sắc cho du lịch Lai Châu mà còn góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, tạo điều kiện để đồng bào có thêm hiểu biết và động lực để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Bài, ảnh: HẢI LÂM và ĐỨC PHONG

Nguồn: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/noi-hoi-tu-sac-mau-van-hoa-lai-chau-637957/?fbclid=IwAR3xJGF_-E6NcKY0GsdY5mO6Q0sDP9goW9zPFuW-zCaIsaBH87swpZ8HmkA
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm