Trong tiếng Mông cái tên Sin Suối Hồ có nghĩa là “suối có vàng”, gợi lên cho du khách về một bản nhỏ bình yên nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành.
Người dân bản Sin Suối Hồ biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: Lê Nam.
Những điều ngỡ ngàng
Đến với bản Sin Suối Hồ nằm trên đỉnh núi, du khách có thể đi từ TP Lai Châu qua Thèn Sin trên con đường trải nhựa, uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang. Nếu ngại không muốn vượt đèo Ô Quy Hồ một trong tứ đại đỉnh đèo Việt Nam thì có thể đến Sin Suối Hồ sau khi tham quan Mường Hum, Sàng Ma Sáo huyện Bát Xát (Lào Cai).
Sau khi vượt qua đèo dốc quanh co đến với Sin Suối Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những ngôi nhà gỗ, trình tường đặc trưng của người Mông. Ngắm nhìn những ngôi nhà với hàng rào bằng đá vừa tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà, vừa làm mát vào mùa Hè và giữ ấm vào mùa Đông.
Nhà nào cũng có sân vườn, cổng gỗ xinh xắn làm du khách nhớ đến truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Đến với Sin Suối Hồ, khách du lịch còn có cơ hội khám phá rừng nguyên sinh cách bản khoảng một giờ đi bộ với thác nước chảy vòng cung giống hình trái tim, người dân gọi là thác Tình yêu.
Điều khiến nhiều du khách ngỡ ngàng đó là bản quá sạch sẽ, trên đường không hề có một cọng rác, khách có thể ngồi bệt xuống đường, khi đứng dậy không phải phủi bụi quần áo. Nhiều du khách còn ví von rằng “bản Mông nhưng sạch sẽ không thua kém Singapore”.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh chia sẻ: Để có được sự sạch sẽ này, dân bản đã quy ước không xả rác bừa bãi, không sử dụng túi nilon, thay vào đó là sử dụng giỏ tre hay đơn giản gói hàng hóa bằng lá chuối...
Đặc biệt, không được buôn bán, sử dụng rượu, thuốc lào, thuốc lá, không cờ bạc. Nhờ những quy ước này, khi đến bản Sin Suối Hồ du khách không còn cảnh đàn ông say rượu ngồi ngủ quên bên vệ đường những ngày đi chợ phiên. Điều đáng quý hơn nữa là người dân bản Sin Suối Hồ có ý thức lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Chị Sủng Thị Le bày tỏ, hiện 100% người dân bản Sin Suối Hồ vẫn mặc trang phục truyền thống cắt may bằng vải lanh dệt thủ công như cha ông để lại.
Khu vườn trong mây
Bản Sin Suối Hồ còn có hàng nghìn gốc địa lan, đào rừng ẩn hiện trong mây trắng, mờ ảo trong sương chiều giống như vườn thượng uyển trong tác phẩm Tây Du ký. Nếu những bản Mông khác lấy việc làm nương rẫy làm kế sinh nhai thì 103 hộ sinh sống ở bản Sin Suối Hồ lấy việc trồng phong lan, địa lan làm nguồn thu nhập chính.
Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, hoa lan ở đây phát triển tươi tốt, thân cành xanh mướt. Hạng A Xà, chủ nhân vườn địa lan gần 500 chậu ở Sin Suối Hồ hồ hởi khoe: “Hằng năm, trước Tết Nguyên đán 2 tháng, nhà mình đón khách từ TP Lai Châu, Sa Pa và cả từ Hà Nội đến mua hoa lan, đào chơi Tết. Tết vừa rồi riêng tiền bán hoa đào đã được hơn hai trăm triệu, đủ để gia đình ăn tiêu cả năm.
Sau chuyến tham quan, nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, chị Bạch Vân Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Những trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên và con người ở Sin Suối Hồ đã để lại cho khách du lịch ấn tượng tốt đẹp.
Ấn tượng nhất là một bản nhỏ sạch sẽ, khắp nơi đều có hoa lan, hoa đào, du khách vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức các món ăn mang độc đáo của người Mông như mèn mén, nước thảo quả, táo Mèo, thịt treo gác bếp, các loại rau, măng rừng...
Còn với du khách quốc tế lại đặc biệt ấn tượng với kỹ thuật thêu thổ cẩm và những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông và được trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân vùng cao khi họ được cùng các gia đình làm nương, chăm sóc vườn lan.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và du lịch Lai Châu Nguyễn Thị Duyên cho biết: Với “mỏ vàng” là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng, Sin Suối Hồ đã và đang trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Lai Châu. Sin Suối Hồ đã trở thành hình mẫu để các bản dân tộc tỉnh Lai Châu học tập, nhân rộng mô hình du lịch này./.
BT