Lễ khai trương được UBND huyện Tam Đường tổ chức tối 14/11. Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện Tam Đường cùng đông đảo tiểu thương, Nhân dân và du khách trong và ngoài huyện tham dự.
Chợ đêm Tam Đường được thành lập trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1129-QĐ/CP, ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 10/9/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cụ thể hóa Chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Chợ đêm được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần tại khu chợ trung tâm thị trấn Tam Đường với quy mô gần 100 gian hàng, bố trí thành 3 khu chính. Khu ẩm thực là nơi nấu, chế biến và thưởng thức, khám phá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện như: thắng cố, lạp sườn hun khói, khâu nhục… Khu buôn bán hàng gồm sản phẩm đặc trưng từ các xã, thị trấn trong huyện: chè, miến dong, địa lan, đồ mây tre đan… Khu giải trí là nơi biểu diễn chương trình văn nghệ đặc sắc của các dân tộc, đặc biệt là góc Chợ tình tái hiện nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Bắc như hát duyên, múa khèn, ném pao…
Sản phẩm bàn, ghế của Hợp tác xã mây tre đan Bản Giang (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) thu hút du khách tại phiên chợ đêm.
Buổi lễ khai trương diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi với nhiều tiết mục giao lưu văn nghệ đặc sắc được đội văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn biểu diễn. Hàng nghìn lượt khách là người dân trong và ngoài huyện, khách du lịch trong nước, du khách nước ngoài đến vui chơi, mua sắm, thưởng thức các món ăn tại phiên chợ đêm.
Đồng chí Vũ Xuân Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, Trưởng Ban Tổ chức phiên chợ đêm Tam Đường cho biết: Phiên chợ được tổ chức với mong muốn tái hiện một phần nét đẹp truyền thống của 12 dân tộc trên địa bàn; tạo sân chơi sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, bổ ích, góp phần bảo tồn, duy trì giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đáp ứng nhu cầu giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn và các vùng phụ cận. Đồng thời, còn là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống, mua bán đặc sản địa phương do người dân tự làm đến du khách bốn phương. Qua đó, phát triển làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu thăm quan, mua sắm, khám phá của du khách, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân./.
Ngọc Duy