Theo báo cáo, dịch COVID-19 làm thiệt hại cho du lịch toàn cầu năm 2020 khoảng 1.000 tỷ USD, và du lịch Việt Nam thiệt hại hơn 61% doanh thu so với năm 2019. Thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 càng đòi hỏi ngành du lịch phải thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ của ngành.
Phong Nha - Kẻ Bàng được du khách quốc tế biết đến nhiều hơn qua các kênh marketing du lịch.
Bài toán vực dậy sau COVID-19
Với con số trên 40% doanh nghiệp du lịch đóng cửa, trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành với số ít nhân lực còn lại, chi phí con người giảm xuống nhưng hiệu quả lại tăng lên...
Một ngành chịu nhiều tổn thương do COVID-19 như du lịch thì đòi hỏi sự năng động và sự đổi mới trong kinh doanh là việc cần thiết nhất trong lúc này. Sự năng động với những hoạch định chiến lược từ kích cầu và chuyển đổi số để giảm nhân công và đưa tới tiện ích cho khác hàng. Doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Như vậy, triển khai chuyển đổi số chính là giải pháp sớm khắc phục những “tổn thương” nhanh nhất trong tình hình hiện nay.
Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai 5 nội dung chuyển đổi số: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch; Quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; Phát triển hệ thống thông tin số ngành Du lịch và các ứng dụng; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch.
Việc áp dụng các ứng dụng công nghệ số tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng, cá nhân hóa các gói dịch vụ và ưu đãi dựa trên sở thích của khách hàng tốt hơn; đồng thời tiết giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, giúp tương tác, chăm sóc khách hàng trực tiếp và từ xa, quy trình làm việc khoa học, nhanh gọn, hiệu suất cao...
Thông qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong nước, tạo ra những thay đổi tích cực hơn cho cả khách hàng và doanh nghiệp du lịch. Khách hàng, giờ đây, thay vì phải đến công ty du lịch, lựa chọn trong hàng trăm gói tour, dịch vụ du lịch, thì chỉ bằng chiếc điện thoại di động thông minh sử dụng các ứng dụng số, họ có thể thực hiện một loạt các hoạt động từ việc lên kế hoạch cho chuyến đi, lựa chọn phương tiện di chuyển, đơn vị lữ hành đến đặt phòng khách sạn và nhận ưu đãi sau chuyến đi...
Doanh nghiệp xác định mục tiêu chuyển đổi số
Chia sẻ thành công từ chuyển đổi số vào kinh doanh du lịch và kích cầu du lịch, ông Đặng Ngọc Tài, Giám đốc ViVu Travel chia sẻ, chuyển đổi số và kích cầu du lịch là việc làm tiên quyết trong kinh doanh du lịch hiện nay. Các công ty vẫn thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi, nhằm thu hút khách hàng và đẩy mạnh doanh thu. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do COVID-19 gây ra, chúng ta càng cần đẩy mạnh các hoạt động kích cầu để đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo.
Ông Tài cũng cho biết, chiến lược của công ty là tối ưu sản phẩm dịch vụ và quy trình làm việc. Trong đó chọn ra một vài sản phẩm mũi nhọn và đẩy mạnh kích cầu quảng bá và từng bước chuyển đổi số. ViVu Travel chú trọng hoạt động marketing, đặc biệt các kênh online: Facebook, Google, email... Năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn cán đích với lượng khách và doanh thu vượt cùng kỳ năm ngoái, nổi bật với các sản phẩm tour Quảng Bình đồng giá, tour ghép Quảng Bình giảm 30% thông qua kênh công nghệ. Vivu Travel cố gắng phát triển đều các phân khúc thị trường và chú trọng mảng công nghệ.
Du lịch Việt Nam được biết đến với những điểm đến an toàn và thân thiện.
Còn ông Từ Thanh Hải, Giám đốc Phong Nha Explorer cho biết: Trang web của công ty này cho phép du khách có thể đặt dịch vụ khách sạn, di chuyển, ăn uống nhờ các công cụ được tích hợp sẵn. Trong những năm qua, Phong Nha Explorerthấy được tầm quan trọng của công nghệ và chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số, Phong Nha Explorerđã giảm bớt nhân công, bên cạnh đó khách trên mọi miền đất nước và thế giới đến với công ty thông qua trang web rất nhiều, và rất hiệu quả từ công nghệ và Internet giúp công ty này vận hành hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến và từ đó có thể tiếp cận được khách hàng từ khắp cả nước.
"Trang web của công ty được xây dựng thân thiện, giàu tính tương tác để thu hút khách, giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm và đặt tour một cách đơn giản nhất. Vận hành trực tuyến giúp giảm chi phí về trụ sở, con người, công tác văn phòng và thủ tục hành chính, từ đó chi phí dịch vụ cũng được giảm và cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều được hưởng lợi", ông Hải cho biết thêm.
Một đơn vị khác cũng sớm nhận ra vai trò của công nghệ đối với du lịch, bà Nguyễn Tâm - Giám đốc công ty Khám Phá Mới Thái Bình cũng cho hay: Dù đã qua mùa hè - mùa cao điểm của du lịch nhưng có một vài dòng khách vẫn rất muốn đi du lịch như: Dòng khách gia đình, dòng khách hội nghị, dòng khách lẻ và dòng khách đã ký tour trước dịch nhưng bị hoãn chưa đi được.
"Do đó, việc kích cầu du lịch thời điểm này là một điểm nhấn cho sự quay trở lại cho ngành du lịch, cũng là giải quyết công việc cho bên ngành dịch vụ. Khách hàng đi thời điểm kích cầu này sẽ cảm thấy được chào đón nồng hậu hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy vai trò quan trọng của công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, nên lượng khách của chúng tôi không chỉ trong tỉnh mà khắp các tỉnh thành trong toàn quốc", bà Nguyễn Tâm cho hay.
Mới đây, ngành du lịch Việt Nam đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” - ứng dụng du lịch trực tuyến kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế được tích hợp chỉ bằng một chiếc thẻ. Ứng dụng này nhắm vào đối tượng hơn 43 triệu người dùng điện thoại di động thông minh. Đây là công cụ hữu ích đối với du khách trong việc tìm các điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai.
Ứng dụng cũng được coi là một trong những hoạt động chuyển đổi số thiết thực của cơ quan quản lý nhà nước ngành du lịch. Với các giải pháp được triển khai như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho tiếp thị du lịch; quản lý điểm đến du lịch thông minh; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu lớn để đưa vào sử dụng chung; kêu gọi các doanh nghiệp cùng hưởng ứng sáng tạo; lan tỏa công nghệ số đến với mọi cấp, mọi ngành, để hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam...
Quy trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp.
Để thực hiện nội dung chuyển đổi số ngành du lịch, một phần của kinh tế số cần sự vào cuộc từ cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Ngành du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong maketing du lịch; tiếp đó là quản lý điểm đến thông minh, hướng dẫn cho du khách tham quan... đây là bước nhằm giảm nhân công và đưa tới khách hàng một tiện ích thông minh nhất./.
Thanh Loan